Rất có thể lần đầu tiên 100.000 tấn gạo của VN mà Lafooco làm đầu mối sẽ đổi được hạt điều của châu Phi với tổng giá trị tương ứng. Đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp (DN) VN kiến nghị phương án "đổi gạo lấy điều" của châu Phi, mà từ năm 2009, chính ngành điều, Lafooco và nhiều DN điều khác đã kiến nghị Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương về đề án này.
Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Bình Phước. |
Đầu tháng 8.2010, cũng đã có 1 đoàn gồm đại diện Bộ Công Thương và Sở Công Thương tỉnh Long An cùng 10 DN VN sang Bờ Biển Ngà để khảo sát và đàm phán. Về phía Bộ Công Thương, để góp phần giải quyết khó khăn cho các DN VN, từ năm 2011, Bộ đã phối hợp với Trung tâm Thương mại thế quốc tế (ITC) chủ trì, tổ chức các hội thảo tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để giới thiệu thị trường châu Phi, cũng như cách thức soạn thảo hợp đồng và quản lý rủi ro khi giao dịch với các đối tác châu Phi.
Ông Nguyễn Văn Chiểu - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Long An cho rằng, để thực hiện phương án đổi gạo lấy điều này, cần phải có sự hỗ trợ của ngân hàng một số nước châu Phi và VN. Phương thức mà Lafooco đưa ra là, DN sẽ ký hợp đồng nhập khẩu hạt điều với một DN châu Phi, đồng thời ký một hợp đồng khác với chính DN đó xuất khẩu gạo giá trị tương đương với giá trị nhập khẩu hạt điều, phương thức thanh toán L/C thông qua một ngân hàng. Như vậy, việc thanh toán sẽ đơn giản và an toàn hơn cho ngân hàng cũng như cả 2 DN trong thương vụ.
Hiện châu Phi có sản lượng điều trung bình hàng năm khoảng 700.000- 800.000 tấn. Các năm 2010 và 2011, ước tính VN nhập khẩu khoảng 300.000 tấn điều thô (bao gồm khoảng 250.000 tấn từ châu Phi).
Mai Hương