Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ 1-3.12 với nhiều hoạt động phong phú như: Leo núi lửa Chư Đăng Ya, Lễ cúng giọt nước, bắn nỏ, cồng chiêng. Phục vụ lễ hội, huyện cũng vận động 15 xã, thị trấn mở gian hàng quảng bá đặc sản địa phương và kêu gọi 24 doanh nghiệp tham gia.
Tuy nhiên thời điểm tổ chức lễ hội Hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya đã muộn bởi hoa dã quỳ đã tàn, cộng với đợt mưa mới đây khiến hoa tàn nhanh hơn. Mặc dù đường vào khu vực lễ hội, ven các rặng núi vẫn chen chúc những cây dã quỳ, song nhiều du khách thất vọng vì hoa chẳng thấy, chỉ trơ cùi...
Trước đó, người dân ở huyện Chư Păh đã háo hức để chuẩn bị lễ hội, đường vào núi lửa đã rộn ràng, cờ phướn giăng giăng, dân làng tấp nập. Hàng trăm hộ dân người J’rai quanh khu vực núi lửa cũng hết sức vui mừng, nhiều hộ còn tận dụng lần đầu tiên huyện mở hội để làm du lịch.
Nhiều người dân đã sử dụng lều dã chiến để phục vụ khách du lịch. Chỉ với tre, rơm rạ, tấm bạt… một số người dân ở đây đã dựng lều bạt cắm ngay trên đất làm “khách sạn” cho khách đường xa lưu trú: mỗi lều rộng 4m2 nằm được 2-3 người, dưới phủ rơm, lá chuối. Với giá 200.000 đồng/đêm, du khách có thể trải nghiệm cảm giác “ăn bờ, ngủ bụi” ngắm sao trời, hoang dã nơi núi rừng. Bên cạnh đó, nhiều đặc sản như: cơm lam, gà nướng, rượu cần cũng sẵn sàng phục vụ khách đến đây.
Núi lửa Chư Đăng Ya với dã quỳ vàng
Anh Ksor Kinh – chủ “khách sạn” (ở làng Kó, xã Chư Đăng Ya) chia sẻ: “Trong một tuần, mình làm được 24 lều, vốn đầu tư ban đầu mỗi lều 150.000 đồng. Ở đây khách hoàn toàn tự do chơi thâu đêm, đốt lửa trại, uống rượu cần”.
"Khách sạn ngàn sao" hoang dã.
Dựng lều với khung tre, lót rơm rạ
Chỉ với 200.000 đồng, du khách có thể tận hưởng cảm giác dân dã núi rừng
Và đặc sản cơm lam, gà nướng
Du khách đến với lễ hội hoa dã quỳ.