Dân Việt

'Sát thủ' khôn lường của tàu sân bay Trung Quốc

Thanh Hảo 30/11/2017 20:30 GMT+7
Trung Quốc đang thử nghiệm một vũ khí mới nhằm xử lý một mối đe dọa lớn đối với các tàu sân bay, đó là sứa.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời một nhà khoa học tham gia các vụ thử nghiệm thực địa thời gian gần đây tiết lộ, thiết bị mới có biệt danh là "Máy nghiền sứa", có thể dọn sạch đường cho các hàng không mẫu hạm ở vùng nước dày đặc sứa để thủy thủ đoàn trên tàu "yên tâm".

img

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Nguồn tin này - đến từ Viện Nghiên cứu Khoa học Đại Dương và Hải sản Liêu Ninh ở Đại Liên, đông bắc Trung Quốc - yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Tan Yehui – một nhà nghiên cứu của Viện Hải dương học Biển Đông thuộc Học viện Khoa học Trung  Quốc ở Quảng Châu, nói rằng sứa là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu sân bay vì kích cỡ và tính phức tạp của tàu.

Một đàn sứa lớn có thể kẹt trong cửa nạp nước của tàu và gây tắc hệ thống làm lạnh. Điều này có thể khiến cho các động cơ của tàu nóng quá mức, dẫn tới ngừng hoạt động. Và, có thể phải mất nhiều giờ đồng hồ, thậm chí nhiều ngày, để gỡ bỏ những con sứa hoặc các bộ phận của chúng khỏi đường ống và phễu lọc.

Liêu Ninh là hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc. Quốc gia này được cho là đang đóng thêm loạt tàu sân bay nữa ở cảng chiến lược tại Vịnh Bột Hải, vì Bắc Kinh đang gấp rút mở rộng sức mạnh hải quân để phục vụ các lợi ích thương mại và chính trị trên toàn cầu.

img

Sứa đi theo đàn là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu sân bay. (Ảnh: Shutterstock)

Mặc dù các tàu chiến thường có sẵn các biện pháp tại chỗ để chống lại mối đe dọa từ sứa nhưng nếu gặp phải đàn sứa quá lớn thì vẫn đối mặt nhiều vấn đề. Năm 2006, siêu hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan đã phải ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian vì lao vào một đàn sứa ở vùng biển ngoài khơi cảng Brisbane của Australia.

"Những gì xảy ra với tàu sân bay Mỹ cũng có thể xảy ra với các tàu sân bay của Trung Quốc", bà Tan nói.

"Máy nghiền sứa" dùng một dạng lưới rộng vài trăm mét với chùm lưỡi dao sắc bằng thép ở giữa. Lưới được một tàu cao tốc dắt theo, dùng sức mạnh của các dòng chảy nhanh hút sứa vào các lưỡi dao rồi cắt chúng thành những mảnh nhỏ.

Nhóm Đại Liên cũng đã thử nghiệm một số phương pháp khác để giảm bớt số lượng sứa. Chẳng hạn, trong một thí nghiệm, họ bơm không khí vào nước biển để tạo bong bóng đẩy sứa lên mặt nước và giết chúng bằng thuốc trừ sâu.

Tuy nhiên, chuyên gia Tan đặt thành vấn đề tính hiệu quả của những phương pháp này, nói rằng "máy nghiền" chỉ có thể bắt được những con sứa tương đối lớn. Trong khi ở nhiều vùng biển của Trung Quốc, có nhiều loài sứa nhỏ hơn với độ dài trung bình chưa đầy 2cm. Bà cũng cảnh báo cả hai biện pháp kể trên có thể giết chết những sinh vật biển khác.