Dân Việt

Nhìn cỗ để mừng

21/01/2013 06:52 GMT+7
(Dân Việt) - "Mùa cưới lo chuyện phong bì, đi cũng dở, ở nhà không xong", đã nhiều năm nay, bà con ở thôn Chày bảo nhau rằng, chẳng mấy ai nhận được lời mời ăn cỗ mà vui vẻ thực lòng.

Người lớn phải lo nghĩ nhiều đã đành, đằng này cánh thanh niên sức dài vai rộng cũng "lăn tăn", không ít anh chàng còn mất hẳn tố chất galăng đáng phải có. Họ than phiền rằng, kiếm được đồng tiền đã khó, nai lưng đi làm thuê quần quật cả ngày để được vài chục ngàn, vậy mà một bữa cỗ cưới phải đi phong bì cả trăm, hỏi ai mà không xót?

Thế mới có chuyện, một thanh niên trong làng đến ăn cưới cô bạn gái ở thôn bên cạnh, thấy cỗ sắp đơn giản, xoàng xĩnh quá bèn đem phong bì về mà không mừng nữa. Nghe ngóng một thời gian không thấy động tĩnh, tai tiếng gì, cậu ta cho là êm nên đem chuyện này ra kể với đám bạn đồng niên trong thôn Chày. Tưởng sẽ có ai đó phản đối, nào ngờ, cả bọn gật gù và hưởng ứng liền khẩu hiệu: "Từ nay thực hiện chính sách giá trị phong bì tùy theo chất lượng cỗ!".

Vậy là thành thói quen, hễ có đám cưới nào trong thôn, ngoài xã mà đám thanh niên choai choai được mời đông đông một chút, cả bọn sẽ cùng nhau góp tiền vào một phong bì để mừng, vừa tiết kiệm, vừa tiện lợi. Chiếc phong bì ấy mở cho đến phút chót. Cả bọn ăn cỗ xong sẽ ra hiệu thống nhất với nhau xem có nên mừng gia chủ 100% hay không. Nếu cỗ cưới nhà nào xoàng quá (theo tiêu chí đánh giá của cả hội) thì số tiền trong chiếc phong bì chung ấy sẽ bị rút bớt trước khi mừng. Thanh niên trong làng người nọ rỉ tai người kia, lứa em lớn lên học theo lứa anh và cũng làm cái trò "hạch toán" đó.

Đã có không ít đám cưới ở thôn Chày trở thành nạn nhân của hiện tượng không đẹp này. Việc chỉ vỡ lở sau đám cưới nhà bà Nguyệt - Trưởng thôn. Bà Nguyệt vốn là người ghê gớm nên sau đám cưới con đã không giữ được bình tĩnh, nổi cơn tam bành khi kiểm phong bì của 5 mâm cỗ dành cho thanh niên làng (30 suất) nhưng chỉ thu được vỏn vẹn 900 ngàn tiền mừng. Bà con trong thôn, ngoài xã biết chuyện, người thì mỉa mai vợ chồng bà trưởng thôn thực dụng, người thì chua chát "khen" bọn trẻ "khôn", nhưng đa phần đều thở dài, lắc đầu ngán ngẩm trước lối sống "hạch toán" quá thể của con em mình. Mấy cụ già khi biết chuyện thì trầm ngâm, vuốt chòm râu bạc thở dài: "Phải nhắc nhở, dạy dỗ đám thanh niên chứ cứ để như vậy thì hỏng...!".