“Tôi muốn nước Pháp là một quốc gia khởi nghiệp”, Macron phát biểu trước hội nghị doanh nghiệp VivaTech ở Paris hồi tháng 6. “Một quốc gia suy nghĩ và chuyển biến như là một startup”.
Facebook là doanh nghiệp đầu tiên dời vào không gian đồ sộ Station F dành cho startup ở Paris.
Thua Singapore 21 bậc về cạnh tran h số
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Macron muốn sự đổi mới là yếu tố chính trong lịch trình đưa nước Pháp thoát khỏi sự trì trệ về kinh tế và nạn thất nghiệp cao. Pháp nằm trong số các thị trường phát triển lớn bên ngoài nước My,̃ vẫn còn yếu kém về công nghệ đến mức báo động. Nick Colas, đồng sáng lập viên của hãng phân tích thị trường độc lập DataTrek Research, cho rằng trong chỉ số MSCI EAFE – 21 nước gồm châu Âu, Úc và Viễn Đông – Pháp là thị trường lớn thứ ba, nhưng lại là “một thế giới mà internet chưa bao giờ diễn ra về mặt bản chất”.
Một nghiên cứu năm 2014 của diễn đàn Kinh tế thế giới kết luận rằng: “Các điều kiện của châu Âu không hề lý tưởng đối với các doanh nhân và các công ty phát triển nhanh, và sự manh mún cản trở việc tiếp cận thị trường, các nguồn vốn và các sáng kiến hỗ trợ. Trong khi biên giới đổi mới toàn cầu không ngừng tiến triển, châu Âu lâm vào nguy cơ tụt hậu đe doạ đến năng suất, tăng trưởng, sự phát triển vốn nhân lực và tạo việc làm”, báo cáo khẳng định. Đeo đuổi sự đổi mới sáng tạo rõ ràng không chỉ là sự tự hào, và nước Pháp có nhiều lý do để lo ngại. Bảng xếp hạng hàng năm về Cạnh tranh số thế giới của viện Phát triển quản lý (IMD) xếp Pháp vào hàng thứ 22 năm 2017 (Singapore hạng nhất và Mỹ hạng ba).
Macron coi sự đổi mới sáng tạo là con đường để đất nước ông tiến lên. Chính phủ của ông Macron đang mở rộng nguồn vốn dành cho các startup, đề nghị thay đổi thuế khuyến khích đầu tư tư nhân và hỗ trợ các sáng kiến tư nhân. Hướng đi này là đúng.
Tech.eu, một trang web theo dõi các đầu tư mạo hiểm ở châu Âu, cho biết Pháp đã vươn tới hạng thứ ba ở châu Âu vào năm ngoái với tổng số tiền đầu tư mạo hiểm là 3,16 tỉ USD, đứng sau Anh quốc và Israel (Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều được xếp vào các ngành công nghiệp công nghệ châu Âu trong bảng xếp hạng này). Đầu tư của Pháp tăng 26% trong ba quý đầu năm 2017 so cùng kỳ năm ngoái, theo Tech.eu.
Tỉ phú Pháp lập vườn ươm
Một trong những nỗ lực tư nhân thấy rõ nhất trong việc thúc đẩy các startup là Station F, được coi là vườn ươm startup lớn nhất thế giới, với không gian cho 3.000 startup. Vườn đi vào hoạt động hồi tháng 7, dưới sự tài trợ của tỉ phú viễn thông Xavier Niel lên đến 290 triệu USD. Chỉ trong vòng bốn tháng từ ngày khai trương, toàn bộ 3.000 không gian hoạt động của vườn đã kín. Station F muốn cung cấp một hệ sinh thái hoàn chỉnh trong việc kiến tạo các doanh nghiệp, từ máy in 3-D đến chuyên môn pháp lý đến một chi nhánh của bưu điện Pháp. Các đối tác trong Station F gồm cả Google, Facebook và Microsoft.
“Tôi muốn doanh nhân tập trung vào sản phẩm của họ”, Niel nói. Mục tiêu của ông là giúp cho nước Pháp thoát khỏi hình ảnh của một nước chỉ được biết đến với các bảo tàng, ẩm thực và hàng xa xỉ. Nhưng Niel cũng cho rằng thực là ảo tưởng khi trông chờ các đại gia công nghiệp Pháp xoay chuyển sang chiếm lĩnh công nghệ số. “Quý vị đừng trông chờ Carrefour trở thành Amazon”, ông mỉa mai.
Nước Pháp tụt hậu sau cuộc bùng nổ startup công nghệ vào những năm 1990. Hệ thống thuế, luật lao động cứng nhắc và một nền văn hoá né rủi ro khiến cho startup ở Pháp ít hơn so với các nước châu Âu khác, và các công ty bắt đầu đóng cửa hoặc bán đi trước khi đủ lớn để được chú ý. Nhưng các chính phủ liên tiếp của Pháp đã có từng bước cân bằng lại sân chơi.
Chính phủ Sarkozy là chính phủ đầu tiên lên tiếng về đổi mới sáng tạo và có các biện pháp giảm bớt quan liêu đối với các doanh nghiệp nhỏ. François Hollande thành lập BPI, một quỹ đầu tư công lớn nhất ở Pháp dành cho các startup. Macron cam kết chi 11 tỉ̉ USD để hỗ trợ các công nghệ đột phá và cấp visa công nghệ bốn năm cho các doanh nghiệp vào Pháp. Ông đã đề xuất các cải cách thuế nhằm đánh vào lợi tức và cổ tức 30% so với 45% hiện nay. Macron vốn được phe đối lập gọi là “Tổng thống của nhà giàu” nhắc nhở cử toạ rằng, “kinh doanh (entrepreneurship) là một từ tiếng Pháp, bị đánh cắp bởi ngôn ngữ các nước Anglo-Saxons”.