'Hố tử thần' sâu hàng chục mét ở vùng cao Quảng Ngãi Bão 12 quét qua, mưa lớn liên tục khoét sâu đường tạo thành nhiều "hố tử thần" gây hiểm nguy cho cán bộ, giáo viên cùng người dân vùng cao Quảng Ngãi.
Sau bão số 12, những trận mưa lớn liên tục trút xuống gây lũ quét làm gia tăng tình trạng sạt lở khoét sâu từng mảng rộng lớn trên những quả đồi hoặc hố sâu hun hút trên các trục đường từ huyện về các xã ở vùng cao Tây Trà.
Lũ quét gây xói lở tạo 'hố tử thần' có miệng rộng hơn 7m, sâu hàng chục mét ở thôn Trà Bao, xã Trà Quân, huyện miền núi Tây Trà.
Hố sâu chiếm 2/3 lòng đường độc đạo từ trung tâm huyện Tây Trà về xã Trà Quân. Ông Hồ Văn Lâm (ngụ thôn Trà Bao, xã Trà Quân) cho biết lũ lớn từ trên núi đổ về gây lở đường tạo vực sâu lấn sát vào nhà dân. "Những ngày qua, dân làng phải lùa gia súc chạy sang ở tạm làng bên. Đêm về không ai dám ngủ ở nhà vì sợ mưa lớn tiếp tục gây xói lở, cuốn nhà cửa xuống hố sâu nguy hiểm tính mạng", ông Lâm nói.
Lũ quét ào ạt tràn về gây sạt lở 2/3 lòng đường, tạo vực sâu gây nguy hiểm cho người đi đường trên tuyến Tỉnh lộ 622B đoạn đi qua xã Trà Lãnh.
Tường hộ lan cứng bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, có tác dụng phản quang giúp người điều khiển phương tiện quan sát tốt về ban đêm bị lũ cuốn bật móng nằm chỏng chơ trên miệng hố sâu ở tuyến Tỉnh lộ 622B đoạn qua xã Trà Lãnh.
Mưa lớn kéo dài khoét hố sâu trên đỉnh một quả đồi ở huyện Tây Trà.
Do địa chất còn yếu sau đợt mưa lũ kéo dài nên hàng ngày người dân nơi đây đi lại qua những điểm lở núi hay mưu sinh bên những hố sâu có nguy cơ bị đất, đá sạt trượt vùi lấp, trượt chân xuống vực nguy hiểm tính mạng.
Sau bão 12, nhiều quãng đường về các xã huyện vùng cao Tây Trà vẫn còn ngập sâu trong đất, đá do sạt lở núi. Người dân đi lại làm ăn, mưu sinh phải xắn quần đến tận gối, tay xách dép chật vật trong bùn nhão vượt qua nhiều điểm sạt lở núi nguy hiểm.
Quần áo, đôi dép...của người dân dính đầy bùn đất đỏ. Bà Huỳnh Thị Thanh Thúy, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Trà, cho hay mưa lớn kéo dài tạo nhiều vực sâu, có hố sâu kéo dài đến 70 - 80 m gây rủi ro cho cán bộ, nhân dân đi lại làm việc, làm ăn sinh sống. Trước tình hình này, huyện khuyến cáo mọi người cẩn thận qua lại những khu vực nguy hiểm này; đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng sớm có giải pháp sửa chữa, khắc phục những điểm sạt lở núi, hàn gắn vực sâu... do mưa lũ gây ra nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho cán bộ, người dân nơi đây.
Anh Hồ Văn Tuyến (ngụ xã Trà Xinh, huyện Tây Trà), than thở dân làng bị cô lập hoàn toàn suốt hơn ba tuần qua nên bữa ăn chủ yếu là muối hột và rau rừng. Còn người bệnh muốn đưa từ xã lên huyện cấp cứu phải trung chuyển bằng ghe máy vượt qua lòng hồ Nước Trong, sau đó hàng chục thanh niên trong làng thay phiên nhau dùng thân cây lồ ô khiêng võng để đưa đến bệnh viện.
Vết sạt lở lõm sâu vào lòng núi thành vệt kéo dài hàng trăm mét "treo" lơ lửng hàng trăm tảng đá lớn, nhỏ chờ chực rơi xuống gây họa cho người đi đường.
Nhiều phương tiện xe cơ giới vẫn chưa thể khai thông điểm sạt lở núi gần cầu sông Tang (thôn Trà Nga, xã Trà Phong). Hàng nghìn khối đất, đá vùi lấp quãng đường dài khu vực trên khiến xã Trà Xinh với hơn 500 hộ với 2.200 nhân khẩu bị cô lập.