Dân Việt

Đóng góp phải thiết thực, công tác quản lý điều hành mới hiệu quả

Lương Kết 04/12/2017 06:10 GMT+7
“Tôi không lo về vấn đề thời gian, điều quan trọng là đóng góp của mình phải thiết thực, hiệu quả cho công tác quản lý điều hành. Ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tôi là thành viên của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tôi cũng nghiên cứu về vấn đề kinh tế, nay có điều kiện tôi tiếp tục phát huy với mong muốn đóng góp nhiều hơn” - PGS –TS Trần Hoàng Ngân nói.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định bổ sung PGS –TS Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM (đại biểu Quốc hội TP.HCM) làm thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Nhân dịp này, PGS –TS Trần Hoàng Ngân có chia sẻ với NTNN/Dân Việt.

“Tôi là con người của hành động và nghiên cứu”

img

PGS –TS, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: Đàm Duy

Với việc bổ sung ông Trần Hoàng Ngân, Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng có 16 người.

Tổ này được thành lập tháng 7.2017

Tổ trưởng là ông Vũ Viết Ngoạn - nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Trong số các thành viên Tổ tư vấn, có nguyên Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh, nhiều chuyên gia kinh tế tên tuổi đến từ các trường đại học quốc tế như: PGS-TS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana, Mỹ; TS Vũ Thành Tự Anh- Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright; GS-TS Nguyễn Đức Khương- Phó Giám đốc, Trưởng khoa Tài chính, Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh, Pháp; PGS-TS Vũ Minh Khương, Đại học quốc gia Singapore; GS-TS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Nhật Bản…

Thưa ông, khi nhận thông tin trở thành thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, ông có cảm thấy bất ngờ?

- Tôi là con người của hành động, con người của nghiên cứu, bản thân cũng từng là thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ tài chính quốc gia 10 năm, khi nghe thông tin được trở thành thành viên của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tôi rất hạnh phúc và vinh dự. Đây là điều không phải ai cũng có được.

Tuy nhiên cũng có sự lo lắng, bởi phải làm sao để thể hiện trách nhiệm mới của mình. Điều quan trọng khi trở thành thành viên của Tổ vấn tôi sẽ có điều kiện tiếp cận nguồn tư liệu của các bộ, ngành để có đủ thông tin và nghiên cứu, từ đó tư vấn cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Với tình hình phát triển của TP.HCM, cùng với việc Quốc hội thông qua nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, tôi cũng có điều kiện nắm bắt, nghiên cứu thêm về cơ chế này để có thể nhân rộng cho các địa phương khác để phát triển kinh tế nhanh và bền vững hơn.

Vừa làm công tác quản lý, là đại biểu Quốc hội, nay nhận thêm nhiệm vụ mới, ông có đủ thời gian để làm tốt tất cả các công việc?

- Nói về thời gian thì mình phải quản lý thời gian thế nào cho hiệu quả. Nghiên cứu kinh tế là công việc chuyên môn, cũng là điều kiện để tôi có thể đóng góp vào việc hoạch định chính sách góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Tôi không lo về vấn đề thời gian, điều quan trọng là đóng góp của mình phải thiết thực, hiệu quả cho công tác quản lý điều hành. Ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tôi là thành viên của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tôi cũng nghiên cứu về vấn đề kinh tế, nay có điều kiện tôi tiếp tục phát huy với mong muốn đóng góp nhiều hơn.

Nông nghiệp công nghệ cao là chiến lược phát triển

Là chuyên gia kinh tế, ông nhìn thấy những điểm sáng nào của nền kinh tế đất nước hiện nay thưa ông?

- Hiện nay kinh tế Việt Nam đang có những điều kiện để ổn định và phát triển, vấn đề làm sao phải có một chiến lược để phát triển bền vững hơn. Nhìn vào vấn đề trung hạn, dài hạn và ngắn hạn cần phải có chính sách để đối phó với những rủi ro, trong hoạt động kinh tế cần phải chú trọng về vấn đề đó. Giờ chúng ta phải có cái nhìn dài hơn do trong ngắn hạn đã tương đối ổn định khi giải quyết hay tìm được hướng đi cho những điểm nghẽn như nợ xấu, nợ công...

Về kết cấu hạ tầng, giao thông ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM cần được quan tâm trong thời gian tới. Vì nếu không có giải pháp đột phá cấp bách thì sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Như vậy, cần phải quan tâm đến giải pháp về vốn.

Về thị trường chứng khoán hiện đang có tốc độ phát triển nhanh, do đó là cơ hội vàng để tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, cần xử lý nhanh các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, cổ phần hoá chúng để có vốn đầu tư cho hạ tầng trong dài hạn.

Có thể nói điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam năm nay là xuất khẩu tăng nhanh dẫn đến xuất siêu 2,8 tỷ USD, nhưng đó chủ yếu từ khu vực FDI. Do vậy, để điểm sáng lan toả cần phải tạo được sự kết nối giữa các khu vực doanh nghiệp, đồng thời giải bài toán công nghiệp phụ trợ.

Đi liền với những điều trên Chính phủ cần phát huy vai trò kiến tạo và minh bạch, đặc biệt trong quản trị điều hành. Vừa qua, chính hiệu quả điều hành đã giúp cho TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) tăng cao. Chính điều này đã khiến cho kinh tế tăng trưởng chứ không phải là vốn không.

Năm nay, lĩnh vực nông nghiệp đã tăng trưởng trở lại (tăng gần 3%) sau thời gian tăng trưởng âm, theo ông cần phải có cơ chế, chính sách nào để thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực này?

- Vấn đề kinh tế nông nghiệp là thế mạnh của đất nước ta, dư địa phát triển còn lớn, cần tiếp tục nghiên cứu để có chính sách phát triển công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao. Đây là lĩnh vực tôi yêu thích, trong quá trình nghiên cứu tôi sẽ cố gắng tập trung để cùng các chuyên gia khác có những tư vấn sâu hơn, cụ thể hơn, để làm sao phát triển nông nghiệp một cách bền vững.

Nông nghiệp của chúng ta không chỉ là trồng lúa hay trồng trọt. Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp chúng ta đã phát triển nuôi thủy sản, lĩnh vực này đem lại nhiều lợi thế cho kinh tế nông nghiệp. Năm 2017, phát triển của nông nghiệp phần lớn là nhờ vào sự thành công của thủy sản. Tuy nhiên, có thể thấy lĩnh vực nông nghiệp là ngành chịu nhiều sự tác động của biến đổi khí hậu, do đó cần có nghiên cứu để có giải pháp làm sao hạn chế tác động đó.

Nói về lĩnh vực nông nghiệp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân có phát biểu trước Quốc hội đề xuất đưa mặt hàng rau, quả và hoa thành sản phẩm chủ lực quốc gia để xuất khẩu đạt chục tỷ USD trong những năm tới, ông thấy sao?

- Tôi nghĩ Bí thư Thành ủy TP.HCM có bài phát biểu trước Quốc hội cũng như có bài viết trên báo với góc nhìn rất chiến lược. Những sản phẩm phẩm nông nghiệp như rau, quả và hoa chính là lợi thế so sánh của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thực tiễn hiện nay người ta bắt đầu ít ăn thịt cá mà dùng rau, củ, quả nhiều hơn, do đó cần phải có chiến lược về phát triển rau, củ, quả sạch, chất lượng. Để làm được điều này, vấn đề đầu tư về công nghệ, ứng dụng công nghệ theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao là rất cần thiết, như vậy mới đảm bảo cho chiến lược phát triển.

Xin cảm ơn ông (!)