Ths. Hoàng Thị Phú Bằng, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tăng huyết áp là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ.
Theo nghiên cứu tại Viện Tim mạch, cứ 10 người có đột quỵ lần đầu thì 8 người trong số đó có tăng huyết áp. Đột quỵ và tăng huyết áp xảy ra hầu hết ở người lớn tuổi.
Cứ 10 người có đột quỵ lần đầu thì 8 người trong số đó có tăng huyết áp.
Để giảm thiểu nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, cần kiểm soát tốt huyết áp. Bên cạnh yếu tố do tăng huyết áp, việc hút thuốc lá và một số bệnh lý khác như: tiểu đường, bệnh động mạch cảnh, bệnh động mạch ngoại biên, rung nhĩ, bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, rối loạn mỡ máu, dinh dưỡng kém, it vận động và béo phì cũng là căn nguyên dẫn đến đột quỵ.
Đột quỵ là một rối loạn cục bộ lên não. Yếu tố nguy cơ chung cho cả đột quỵ và bệnh tim do xơ vữa là tăng huyết áp chiếm tỷ lệ cao nhất.
Tại Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu trên 754 bệnh nhân đột quỵ ở Bệnh viện Đà Nẵng cho thấy, 95% bệnh nhân bị đột quỵ có kèm tăng huyết áp trong khi đó, tại Việt Nam hiện nay có tới 47,6 % người dân có tăng huyết áp.
Ths. Phú Bằng cho biết, điều trị tốt tăng huyết áp làm giảm đáng kể các biến cố tim mạch trong đó giảm đáng kể tỷ lệ tử vong liên quan đột quỵ não.
Chính vì vậy Ths. Phú Bằng nhấn mạnh, giải pháp ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả nhất là kiểm soát tăng huyết áp đúng, đủ và lâu dài.
Điều trị tăng huyết áp cần tuân thủ chặt chẽ theo y lệnh của bác sỹ chuyên khoa, có chỉ định uống thuốc theo đơn cụ thể.
Ngoài ra, song song với việc tuân thủ điều trị để ngăn ngừa đột quỵ do tăng huyết áp phải lưu ý đến tầm quan trọng của thay đổi lối sống như: giảm cân, giảm muối và mỡ bão hòa, giảm lượng calorie trong chế độ ăn, tập thể dục đều đặn và uống rượu ở mức cho phép, bổ sung đủ chất, ngừng hút thuốc lá.
Dấu hiệu cảnh báo tăng huyết áp Tăng huyết áp không có dấu hiệu đặc trưng. Các triệu chứng rất phức tạp và nặng nhẹ khác nhau, biểu hiện tuỳ thuộc theo thể trạng của từng người. Những dấu hiệu hay gặp của tăng huyết áp là: - Choáng váng, nhức đầu. - Mất ngủ, chóng mặt, ù tai, hoa mắt. - Khó thở, đau tức ngực, hồi hộp. - Đỏ mặt, buồn nôn. Một người khi có các dấu hiệu kể trên cần nhanh chóng kiểm tra huyết áp tại nhà và đến các cơ sở y tế gần nhất để khám, xác định bệnh và điều trị kịp thời. Chẩn đoán, dự phòng và điều trị bệnh Kiểm tra huyết áp thường xuyên là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh. Mọi người dân cần thường xuyên kiểm tra huyết áp thông qua khám sức khỏe định kỳ hoặc qua các lần đi khám, kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế... Các máy đo huyết áp điện tử cá nhân là một công cụ hiệu quả giúp người đã mắc tăng huyết áp và người có nguy cơ mắc bệnh để thường xuyên kiểm tra tình trạng huyết áp của mình cùng các thành viên trong gia đình. |
Theo báo cáo của các nhà khoa học tại Mỹ, giấc ngủ trưa kéo dài hơn 40 phút sẽ làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ não.