Dân Việt

Thiếu sự phối hợp xử lý, sông Đồng Nai còn ô nhiễm kéo dài

Nguyên Vỹ 05/12/2017 06:33 GMT+7
Tình trạng ô nhiễm và vi phạm bảo vệ môi trường ở lưu vực hệ thống (LVHT) sông Đồng Nai vẫn đang tiếp diễn phức tạp, nhất là ở khu nội thành, khu công nghiệp và các vùng giáp ranh.

Việc cần có một cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa 11 tỉnh, thành trong lưu vực lại được đặt ra như yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ chất lượng môi trường cho cả LVHT sông Đồng Nai.

Ô nhiễm phức tạp khu giáp ranh

img

 Nguồn nước của LVHT sông Đồng Nai có tầm quan trọng đặc biệt nhất là vai trò cung cấp nước cho sinh hoạt của hàng triệu người dân. Ảnh:  Nguyên Vỹ

Theo Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân, Ủy ban Quốc gia các lưu vực sông đang được Chính phủ chuẩn bị thành lập. Khi đó, các vướng mắc, tồn tại không chỉ của đề án bảo vệ môi trường LVHT sông Đồng Nai, mà cả LVHT sông Nhuệ - sông Đáy, LVHT sông Cầu cũng sẽ được khắc phục, đặc biệt là cơ chế phối hợp liên vùng, liên tỉnh.

Nguồn nước của LVHT sông Đồng Nai có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội đối với 11 tỉnh, thành từ Ninh Thuận đến TP.HCM. Đặc biệt, vai trò cung cấp nước cho sinh hoạt của hàng triệu người dân sinh sống ở các khu đô thị và khu công nghiệp (KCN) đều tập trung ở vùng hạ lưu. Tuy nhiên, nguồn nước mặt thuộc LVHT này đang bị ô nhiễm cục bộ, tập trung chủ yếu tại các đoạn sông chảy qua các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong khu vực nội đô TP.HCM, dòng kênh 19.5 có chiều dài hơn 2,2km chảy qua địa bàn 2 quận Bình Tân và Tân Phú luôn trong tình trạng ngộp thở vì mùi hôi thối quá mức chịu đựng. Mặc dù UBND 2 quận này đã có nhiều nỗ lực để làm trong sạch lại dòng kênh nhưng rất khó khả thi. Ngoài nguồn thải từ KCN, dòng kênh này không khác bãi chứa rác khi người dân vứt đổ xuống bất kỳ thứ gì có thể.

Ở khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, các sông, suối nhỏ cũng trở thành điểm nóng ô nhiễm phức tạp và kéo dài. Kênh Ba Bò chỉ dài hơn 6km nhưng đã ngốn hàng nghìn tỷ đồng tiền đầu tư cải tạo của tỉnh Bình Dương và TP.HCM. Đến nay, kênh Ba Bò đã ô nhiễm trở lại do nước thải của một số khu dân cư, KCN trên địa bàn thị xã Dĩ An, Thuận An, tỉnh Bình Dương thải ra trực tiếp chưa được xử lý.

Theo Sở TNMT tỉnh Bình Dương, mỗi ngày kênh Ba Bò nhận khoảng 20.000m3 nước thải. Trong khi nhà máy xử lý nước thải của KCN Sóng Thần 2 có dấu hiệu quá tải, một số doanh nghiệp trong KCN Sóng Thần 1 và 2 còn lợi dụng trời mưa, xả lén nước thải chưa qua xử lý.

Cần cơ chế phối hợp chung

img

Nhiều nơi ở TP.HCM, người dân vẫn sống chung với ô nhiễm ven kênh. Ảnh Nguyên Vỹ

Năm 2016, các tỉnh, thành trên lưu vực sông Đồng Nai đã cùng ký kết quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính. 

Tuy nhiên, lãnh đạo các tỉnh, thành thừa nhận cơ chế hoạt động và các quyết nghị của Ủy ban LVHT sông Đồng Nai không mang tính ràng buộc chặt chẽ, việc triển khai thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực chưa giải quyết triệt để các vấn đề bức xúc liên tỉnh. Việc cần có một cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa 11 tỉnh, thành trong lưu vực một lần nữa được đặt ra như yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ môi trường cho cả LVHT sông Đồng Nai.

Để khắc phục nạn ô nhiễm kênh Ba Bò, ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh này sẽ tiếp tục phối hợp UBND TP.HCM xử lý triệt để trong giai đoạn 2017-2018.

Trên địa bàn TP.HCM, không ít trường hợp các phương tiện khai thác cát trái phép khi bị truy đuổi lại chạy sang địa bàn các tỉnh giáp ranh. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM kiến nghị: “Cần nghiên cứu một cơ chế phối hợp cho phép lực lượng chức năng của địa phương này có quyền xử “nóng” khi phát hiện vi phạm ở trên địa bàn khác; sau đó liên hệ cơ quan chức năng ở địa phương xảy ra vi phạm cùng đến giải quyết các bước tiếp theo”.