Ông Bùi Văn Thiệp trồng 2,5 ha sa nhân dưới tán rừng cây gỗ lõi thọ, cây gỗ tếch...
Thời bấy giờ, khó khăn lắm mấy chú ạ! Tôi phải tỉ tê với đồng bào dân tộc ở đó rồi vừa mua, vừa xin nên cũng mang được 100 cây sa nhân về trồng thử. Mà trồng xong có phải có cái ăn ngay như ngô, sắn đâu, chăm bẵm, trông coi mãi tới 7 năm sau cây sa nhân mới sinh sôi nảy nở, ra hoa kết trái. Mừng là thế, nhưng lúc bấy giờ đầu ra cho quả sa nhân lận đận lắm, không tư thương nào đến hỏi mua . Bực quá, tôi chán, tôi phá toàn bộ diện tích sa nhân đã trồng và chăm sóc trong 7 năm trời để chuyển sang trồng ngô, đậu tương để có cái mà ăn...", ông Bùi Văn Thiệp bùi ngùi kể về đoạn trường đầu tiên trồng sa nhân trên núi.
Nhưng cuộc đời đâu ai biết trước thế nào. Năm 2010, nhận thấy vùng đất nơi đây rất thích hợp để trồng sa nhân, rồi càng ngày tư thương ở đâu khắp nới kéo về tìm hỏi mua sa nhân với giá rất cao nên ông Bùi Văn Thiệp lại bắt tay vào khôi phục lại diện tích sa nhân đã phá bỏ trước đó.
Ông Bùi Văn Thiệp kể: “May mắn thay, thời điểm tôi phá bỏ cây sa nhân, em trai tôi là gia đình dư ăn, dư tiêu nên vẫn giữ lại được nhiều cây sa nhân làm giống. Lúc tôi nhận ra hiệu quả kinh tế của sa nhân, gia đình tôi bèn sang nhà em trai xin ại ít giống mà trước đó tôi cho vợ chồng nó trồng về trồng lại.”
Là người đầu tiên đưa cây sa nhân về trồng tại mảnh đất huyện Thuận Châu, ông Thiệp chia sẻ kinh nghiệm: Để cây sa nhân cho sai quả và chất lượng tốt thì phải trồng ở sườn đồi dốc, núi đá dưới tán rừng cây gỗ che bớt ánh sáng khoảng 50% là phù hợp. Đặc biệt, nơi trồng cây sa nhân không được có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào buổi chiều.
“Tôi đã thử nghiệm trồng sa nhân trên cùng một đơn vị diện tích, một nơi có ánh nắng chiếu trực tiếp vào buổi chiều; một nơi không có ánh nắng chiếu trực tiếp vào buổi chiều. Kết quả, nơi không có ánh nắng cho năng suất cao gấp 3 – 4 lần so với nơi có ánh nắng chiếu trực tiếp. Đấy, cây sa nhân nó ưa bóng râm, ưa sống dưới tán cây rừng" – ông Bùi Văn Thiệp tiết lộ.
Theo ông Bùi Văn Thiệp, sa nhân nên trồng vào tháng 3 đến tháng 4 hàng năm. Đó cũng là thời điểm bà con trồng ngô, lúa. Nơi trồng sa nhân có nhiệt độ không quá cao hoặc không quá thấp (dao động từ 22oC – 30oC). Ở vùng trồng sa nhân mà ban đêm và sáng sớm có sương mù là tốt nhất để sa nhân cho nhiều hoa và đậu sai quả. Sa nhân trồng bằng chồi, quen khí hậu, hợp thổ nhưỡng thì sau 2-3 năm bắt đầu cho thu hoạch quả và hạt, năm thứ 4 trở đi cây cho sản lượng cao. Để cây sa nhân sinh trưởng tốt, mỗi năm nên làm cỏ 2 lần. Lần đầu, trước lúc cây sa nhân ra hoa. Lần 2, sau khi hái quả.
Ông Bùi Văn Thiệp chia sẻ cây sa nhân ra hoa và ra quả ở dưới gốc.
“So với các loại cây trồng khác, sa nhân là cây có giá trị kinh tế cao nhất và đầu tư ít nhất. Năm 2016, với diện tích 5.000m2 đất trồng sa nhân, nhà mình thu được 3 tạ quả khô. Với giá 1 triệu đồng/cân khô lúc đó, tôi cũng đút túi 300 triệu đồng. Mặc dù, năm 2017, sa nhân mất mùa và xuống giá nhưng vẫn có hơn trăm triệu tiền lãi để tiêu pha. Mà cây sa nhân nó mọc dưới tán rừng gỗ, mình chỉ chăm sóc, phát cỏ chứ có mất chi phí gì nhiều...” – ông Bùi VănThiệp phấn khởi nói.
Hiện tại, ông Thiệp đã mở rộng diện tích sa nhân lên 2,5 ha. Theo ông Thiệp, sa nhân ra hoa vào tháng 4 – 5, tháng 7 – 8 cho quả. Nếu sa nhân trồng hợp khí hậu, thổ nhưỡng, được chăm sóc tốt, đầy đủ thì 1ha có thể cho thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Theo ông Bùi Văn Thiệp, trồng cây sa nhân, trách nhiệm giữ rừng và bảo vệ rừng cực kỳ tốt. Vào mùa khô ông Thiệp cùng với nhân công mỗi người, một ngày phải trực gần như 24/24 trên rừng để bảo vệ “miếng cơm” của mình.
Ngoài trồng sa nhân ra, ông Bùi Văn Thiệp còn trồng thêm mận, đào, hồng (mềm, giòn); nhiều cây gỗ quý có tuổi đời hơn chục năm như cây gỗ tếch (20 năm tuổi), cây nghiến, cây lát, lõi thọ (7 năm tuổi)...
Bạn đọc Danviet.vn có nhu cầu cần tìm hiểu kinh nghiệm và tư vấn kỹ thuật trồng sa nhân, xin vui lòng liên hệ bác Bùi Văn Thiệp, bản Kiến Xương, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. SĐT: 0975 162 838, 0946 517 206. |