Dân Việt

Phòng khám Trung Quốc đe dọa bệnh nhân có thể bị xử lý hình sự

Hồ Văn 05/12/2017 13:28 GMT+7
“Các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc thường vẽ bệnh để thu tiền cao, thậm chí đe dọa để bệnh nhân hoang mang, lo lắng nhằm moi tiền người bệnh”, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bình cho biết trong phiên thảo luận của HĐND TP.HCM, ngày 5.12.

Sáng 5.12, kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM tiếp tục phiên thảo luận nhiều vấn đề nổi cộm và gây bức xúc. Nhiều đại biểu (ĐB) tiếp tục chất vấn các vấn đề y tế, sức khỏe, an toàn thực phẩm, quản lý bệnh nhân tâm thần, cai nghiện tại gia...

img

ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm đặt vấn đề cần xử lý triệt để phòng khám có bác sĩ Trung Quốc vi phạm. Ảnh: Hồ Văn

ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm nêu vấn đề, phòng khám có bác sĩ Trung Quốc đang là nỗi bức xúc của cử tri, nhất là những người bệnh đã từng khám tại đây. “Tôi thấy Thanh tra Sở Y tế đi kiểm tra, xử phạt nhiều, tước giấy phép một số nơi... Nhưng việc xử lý thế nào mà sau đó họ tiếp tục khám bệnh, thu tiền quá cao của người bệnh? Kiểu lặp lại như phòng khám vi phạm, người bệnh tố cáo, lại kiểm tra xử lý rồi lại vi phạm - lại tố cáo, lại đi xử lý… Vậy giải pháp nào quản lý căn cơ vụ việc này? Không thể để bức xúc mãi cho người dân được”, ĐB Tố Trâm nói.

ĐB Tố Trâm cũng quan ngại việc quản lý người nghiện, ngáo đá khi để xảy ra những vấn đề không an toàn cho người dân. "Như vụ mới đây, một thanh niên chém hàng loạt kính xe hơi… gây bất an cho xã hội. Chúng ta chưa có biện pháp nào để quản lý các đối tượng này? Cần thay đổi cơ chế quản lý với đối tượng này hay không?", ĐB Tố Trâm đặt câu hỏi.

ĐB Tô Thị Bích Châu (Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP.HCM), ĐB Lê Thị Ngọc Thanh (quận 12) thì lo ngại việc quản lý người tâm thần tại gia. Ví dụ cụ thể là vụ bảo vệ dân phố bị tâm thần giết người gây đau lòng vừa qua.

Trả lời các đại biểu, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bình cho biết, phòng khám có bác sĩ Trung Quốc đang  là vấn đề xã hội quan tâm. Qua kiểm tra, rà soát  trên địa bàn thành phố có 192 phòng khám, trong đó có 17 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc. Từ cuối năm 2016 đến tháng 10.2017, Sở Y tế đã lập đoàn kiểm tra tổng thể, có đến 25% kém chất lượng, không đạt chuẩn. 100% phòng khám có bác sĩ Trung Quốc nằm trong số này. Tiến hành xử lý rút giấy phép còn lại 9 phòng khám, mới đây kiểm tra rút giấy phép tiếp 4 và còn 5 phòng khám đang hoạt động. Tiền xử phạt phòng khám có bác sĩ Trung Quốc lên đến 750 triệu đồng.

“Qua kiểm tra cho thấy, phòng khám có bác sĩ Trung Quốc hay tư vấn vẽ bệnh để moi tiền người bệnh, thậm chí đe dọa bệnh nhân khi đang điều trị để moi tiền”, ông Bình cho hay.

img

Giám đốc Sở Y Tế Nguyễn Tấn Bình cho biết, có tình trạng bác sĩ Trung Quốc đe dọa người bệnh để lấy tiền. Ảnh: Hồ Văn

Về quản lý bệnh nhân tâm thần, ông Bình cho biết, toàn thành phố đang quản lý khoảng 17.000 bệnh nhân dạng này. Các hệ thống quản lý đang làm tốt, trong đó có hệ thống quản lý người bệnh vô gia cư của ngành lao động - xã hội làm rất tốt.

Nghe đến đây, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Đức Hải ngắt lời: “ĐB quan tâm đến vấn đề quản lý bệnh nhân tâm thần tại gia, lang thang bên ngoài và tác hại thế nào đến đời sống cộng đồng? Đề nghị ĐB Bình đi thẳng vào vấn đề”.

ĐB Bình trả lời, với những bệnh nhân khi điều trị ổn định thì cho về nhà điều trị tại gia. Gia đình và y tế cơ sở phải cùng phối hợp điều trị tiếp. “Tuy nhiên, có nhiều gia đình không có điều kiện, không quan tâm điều trị tiếp nên phát sinh những rắc rối, có thể gây ảnh hưởng đến xã hội mà vụ bảo vệ dân phố vừa qua là một điển hình. Vì thế, cần sự phối hợp cộng đồng tốt hơn ở cả cấp quản lý và gia đình người bệnh”, ông Bình trình bày.

img

Toàn cảnh kỳ họp thứ 6, HĐND TP.HCM khóa IX. Ảnh: Hồ Văn

Trước đó, ngày 4.12, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND TP đã giao Sở Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND quận - huyện kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm của những phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc. Trường hợp có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người bệnh như báo chí phản ánh thì kiến nghị xử lý hình sự đối với những tập thể, cá nhân có liên quan.