Dân Việt

Nỗi đau "chạy mả" bên dòng sông Chảy

Ngô Hùng 06/12/2017 13:30 GMT+7
Đã 3 năm trôi qua, nhưng mỗi lần nhìn di ảnh của mẹ, chị Trần Thị Thanh (trú tại khu 1, xã Phong Phú, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) lại không kìm được nước mắt vì việc mới chôn mẹ được 7 tháng đã phải đào lên vì sợ mộ trôi xuống sông...

img

Hoạt động khai thác cát trên sông Chảy thuộc xã Phong Phú, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ diễn ra trong nhiều năm nay. Ảnh: Ngô Hùng

Đua nhau “chạy mả”

Trong căn nhà cấp bốn nhỏ bé nằm bên sườn đồi tại khu 1, xã Phong Phú, chị Trần Thị Thanh không kìm được nước mắt khi kể về nỗi đau mà chị phải gánh chịu.

Theo chị Thanh, cuộc đời của mẹ con chị không được một ngày vui. Mẹ chị - bà Trần Thị Tròn (SN 1951) bị bệnh tim bẩm sinh, quanh năm thuốc thang, cuộc sống gia đình luôn quanh quẩn trong cảnh nghèo khó.

“Mẹ bị bệnh tim nên tôi ra đời thể trạng cũng không được khỏe, hai mẹ con cứ bệnh tật liên miên, gia đình hết sức khó khăn. Tôi lấy chồng, nhưng vẫn ở với mẹ vì gia đình nhà chồng cũng chẳng khá giả gì. Cả đời mẹ lo cho tôi, ấy thế mà đến lúc chết, mẹ cũng không được yên”, chị Thanh khóc nấc.

img

Chị Trần Thị Thanh không giấu được nỗi đau mỗi khi nhắc đến chuyện phải "chạy mả" cho mẹ khi vừa chôn được 7 tháng. (Ảnh: Ngô Hùng)

Cũng theo chị Thanh, mẹ chị qua đời vào tháng 4, đến tháng 11.2014 đã phải đào lên để chuyển đi chỗ khác. Lý do là bởi bờ sông Chảy bị sạt lở nghiêm trọng do hoạt động khai thác cát của một số công ty được cấp phép.

“Mẹ tôi mới chôn được 7 tháng nhưng do bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều ngôi mộ lâu đời ở đây đã bị trôi sông, nên tôi cố gạt nước mắt, vay mượn lấy 13 triệu đồng rồi tiến hành chuyển mộ cho mẹ. Nhìn cảnh da thịt mẹ vẫn chưa tiêu hết đã phải róc thịt để cất mả mà tôi thấy đau xót đến tận tim gan. Đây có lẽ là nỗi đau, nỗi ân hận nhất trong đời tôi, nhưng không làm như thế cũng không được vì nếu để vậy, mộ của mẹ tôi không biết bị dòng sông “nuốt” mất lúc nào”.

Đưa tay lên gạt nước mắt, chị Thanh tiếp tục: “Việc nghĩa trang bị sạt lở, nguyên nhân chính là do hoạt động khai thác cát của một số công ty ở đây. Nhưng khi chuyển mộ, tôi không được chính quyền hay các công ty này hỗ trợ một đồng nào. 13 triệu đồng tôi vay để “chạy mả” cho mẹ, đến giờ vẫn chưa thể trả được”.

Cùng hoàn cảnh như nhà chị Thanh, gia đình bà Phạm Thị Bảo (ở thôn 1, xã Phong Phú) cũng phải “chạy mả” cho mẹ chồng khi cũng mới chỉ chôn được khoảng 1 năm. Theo bà Bảo, việc người dân ở đây phải “chạy mả” như thế là điều bất đắc dĩ do bờ sông Chảy bị sạt lở nghiêm trọng “ăn” cả vào nghĩa trang của người dân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được người dân xác định là do tình trạng khai thác cát vô tội vạ và không theo mốc giới.

“Việc “chạy mả” cũng là điều bất đắc dĩ, vì theo tâm linh và thực tế thì phải 3 năm mới “sang cát”, nhưng do bờ sông bị sạt lở quá nhiều nên gia đình buộc phải làm cái việc mà lương tâm thấy áy náy như vậy”, bà Bảo cho biết.

img

Cho đến nay, gia đình bà Phạm Thị Bảo vẫn còn cảm thấy áy náy khi phải "chạy mả" cho mẹ chồng. (Ảnh: Ngô Hùng)

Còn ông Trần Xuân Niên, một cao niên ở xã Phong Phú cho biết, nghĩa trang bên bờ sông Chảy có từ trước năm 1945, đến nay có cả trăm ngôi mộ của người dân thôn 1 và thôn 2 của xã Phong Phú. Trước đây nghĩa trang cách xa bờ sông, nhưng vài năm trở lại đây, do việc khai thác cát rầm rộ đã khiến bờ sông bị sạt lở, xâm phạm vào nghĩa trang.

“Đã có rất nhiều ngôi mộ bị cuốn theo dòng sông, trong đó đau xót nhất là mộ của bố mẹ liệt sĩ Trần Văn Hào giờ bị trôi đi đâu cũng không biết”, ông Niên cho hay.

Hiện tượng khai thác cát gây sạt lở đất, đe dọa nghĩa trang không chỉ xảy ra tại xã Phong Phú, theo tìm hiểu của phóng viên, tại xã Phương Trung (Đoan Hùng) cũng cùng cảnh ngộ. Theo bà Trần Thị Phẩm ở thôn 3 (xã Phương Trung), trước đây nghĩa trang của xã này nằm cách sông khoảng 50 - 70m, nhưng nay chỉ còn cách khoảng 10m.

img

Hoạt động khai thác cát trên sông Chảy khiến hai bên bờ của con sông này bị sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: Ngô Hùng)

“Không chỉ xuất hiện hiện tượng sạt lở ruộng đất, nghĩa trang cũng bị đe dọa nên người dân phải hô hào nhau chuẩn bị gạch đá, súng cao su để xua đuổi tàu cát. Ngoài ra, người dân cũng thường xuyên phản ánh sự việc lên các lãnh đạo cấp trên. Mới đây, đơn vị khai thác cát đã có biện pháp làm kè, tuy nhiên, về cảm quan đã thấy kè cũng không giữ được lâu nếu như hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra rầm rộ như hiện nay”, bà Phẩm cho biết.

Di chuyển mộ để đỡ trôi sông

Trao đổi với Dân Việt, ông Bùi Hồng Chương - Chủ tịch UBND xã Phong Phú thừa nhận việc sạt lở bờ sông đã “ăn” vào nghĩa trang của xã, một phần nguyên nhân là do hoạt động khai thác cát.

Cũng theo ông Chương, nghĩa trang này có từ rất lâu đời. Thấy hiện tượng sạt lở đất, chính quyền địa phương đã thông báo cho người dân đến di chuyển mồ mả. Đối với những ngôi mộ không có người nhận, chính quyền sẽ tổ chức di chuyển vào bên trong để đỡ bị trôi đi mất.

“Đối với một số hộ di chuyển mộ năm 2014, chính quyền có biết, tuy nhiên nguyên nhân gây sạt lở thì có nhiều nên việc hỗ trợ là không có. Chẳng qua là người dân sợ bị sạt lở nên tự di chuyển mộ đi thôi”, ông Chương cho biết.

Chiều 4.12, có mặt tại thôn 2, phóng viên chứng kiến cảnh chính quyền xã Phong Phú đang tổ chức di chuyển 6 ngôi mộ gần bờ sông vào bên trong. Đối với những ngôi mộ này, theo ông Chương là do sợ bị trôi mất, chính quyền đã thông báo nhiều lần nhưng không có người đến nhận. Theo nhận định, đây là những ngôi mộ có từ rất lâu, khoảng từ những năm 1945.

img

Ông Nguyễn Khắc Chung - Chủ tịch UBND xã Phương Trung. (Ảnh: Ngô Hùng)

Còn theo ông Nguyễn Khắc Chung - Chủ tịch UBND xã Phương Trung, trên địa bàn xã có 2 công ty khai thác cát được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép là Công ty Phúc Thịnh và Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Hưng Thịnh. Việc sạt lở ruộng đất trên bờ sông Chảy có nhiều nguyên nhân, nhưng theo cảm quan thì có màu sắc của việc khai thác cát.

Cũng theo ông Chung, sau khi thấy việc sạt lở có thể đe dọa đến nghĩa trang, cũng như nhận được phản ánh của người dân, UBND xã đã có ý kiến đến lãnh đạo cấp trên, hiện tại nghĩa trang đã được xây kè kiên cố.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.