Nữ cảnh sát Triều Tiên làm nhiệm vụ. Ảnh minh họa.
Theo Newsweek, nhóm các phóng viên của tờ Asia Press International, trụ sở tại Osaka, Nhật Bản, ghi nhận giá dầu ở Triều Tiên giảm mạnh kể từ tháng 11.
Giá dầu diesel đã giảm khoảng 60% và giá xăng giảm khoảng 25%. Các phóng viên được cho là đã phát hiện một lượng lớn nhiên liệu được Triều Tiên nhập khẩu từ Nga, thông qua tỉnh Ryanggang.
Điều bất thường là khu vực tỉnh Ryanggang giáp biên giới Trung Quốc. Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh Mỹ muốn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra nghị quyết cắt nguồn cung cấp nhiên liệu của các nước thành viên sang Triều Tiên.
Theo Newsweek, rất khó để làm rõ những thông tin rò rỉ liên quan đến Triều Tiên, nhưng các chuyên gia đều đồng ý rằng Nga và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng giúp đỡ Triều Tiên nhiều nhất.
“Có nhiều kênh thương mại tồn tại giữa Trung Quốc và Triều Tiên, bao gồm cả hợp pháp và phi pháp. Do đó, tôi sẽ không mấy ngạc nhiên nếu Nga tận dụng những kênh trao đổi buôn bán này”, Lisa Collins, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định.
Hồi tháng 9, hãng tin Reuters và Washington Post từng cáo buộc Nga đang giúp đỡ Triều Tiên né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ và âm thầm cung cấp dầu cho Bình Nhưỡng.
Người Triều Tiên tham dự buổi lễ ăn mừng vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 thành công.
James Brown, chuyên gia về Nga và Nhật Bản ở Đại học Temple, Mỹ, nói động thái này không vi phạm nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
“Việc Nga cung cấp dầu cho Triều Tiên không phải là điều bí mật. Bởi Moscow vẫn không ngừng cung cấp dầu thô sang Triều Tiên, khi nghị quyết trừng phạt được soạn thảo hồi tháng 9”, ông Brown nói.
Theo các chuyên gia, việc Nga cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên cũng là cách để phản đối chính sách cứng rắn của Washington với Bình Nhưỡng. “Nga phản đối chính sách của Mỹ vì điều này chỉ khiến Triều Tiên tăng cường phát triển chương trình hạt nhân và chế tạo tên lửa”, ông Brown nhận định.
Daniel Pinkston, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Troy, cho biết Nga đang cố gắng ổn định tình hình ở Triều Tiên. Việc tăng cường cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên trong suốt mùa đông cũng là một hình thức nhân đạo để giúp đỡ người dân nước này
Ngày 5.12, truyền thông Nga đưa tin, Điện Kremlin sẵn sàng đóng vai trò cầu nối, là trung gian để Mỹ và Triều Tiên đàm phán.
Khi Triều Tiên thử hạt nhân, ít nhất có một nhóm người trên thế giới không ngạc nhiên.