Dân Việt

Trạm thu phí BOT Phước Tượng-Phú Gia “đặt nhầm chỗ” như thế nào?

Trần Hòe 06/12/2017 13:00 GMT+7
Liên quan đến tình trạng tài xế dùng tiền lẻ qua trạm thu phí BOT Phước Tượng - Phú Gia ở Thừa Thiên - Huế, theo tìm hiểu của PV Dân Việt, trạm thu phí này đã được "đặt nhầm chỗ" nhằm tận thu.

Như tin đã đưa, những ngày qua đã xuất hiện tình trạng tài xế dùng tiền lẻ mệnh giá 200 đồng mua vé vé qua trạm BOT Phước Tượng - Phú Gia (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế). Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do những bất hợp lý về vị trí đặt trạm thu phí nói trên. 

img

Trạm thu phí dự án BOT Phước Tượng - Phú Gia được đặt ở cuối thị trấn Lăng Cô. 

Trạm thu phí BOT Phước Tượng - Phú Gia là nơi thu phí dự án  hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, do Công ty cổ phần BOT Phước Tượng - Phú Gia làm chủ đầu tư, tổng vốn 1.743 tỷ đồng.

Trạm này chính thức thu phí từ 0h ngày 12.8.2016. Trạm được xây dựng ở cuối thị trấn Lăng Cô, cách vị trí hầm Phú Gia rất xa, nên khiến những phương tiện vận tải không lưu thông qua 2 hầm trên vẫn phải đóng phí.

Người dân ở thị trấn Lăng Cô từng kiến nghị về vị trí đặt trạm thu phí Phước Tượng - Phú Gia đặt ở Bắc hầm Hải Vân ảnh hưởng đến các hộ dân chuyên tuyến cố định vào Đà Nẵng. Sau kiến nghị của người dân, theo chủ trương của Bộ GTVT, nhà đầu tư thống nhất danh sách hơn 110 phương tiện ô tô ở Lăng Cô chỉ chạy tuyến cố định vào Đà Nẵng được miễn phí qua trạm.

Tuy nhiên, việc làm trên mới chỉ giải quyết được một phần vấn đề, bởi thực tế hàng ngày đang có lượng lớn người dân, doanh nghiệp ở TP.Đà Nẵng có phương tiện là ôtô thường xuyên qua về giữa thị trấn Lăng Cô và TP.Đà Nẵng phải đóng “phí oan”. Cụ thể, những phương tiện này không lưu thông thông qua các hầm Phước Tượng, Phú Gia nhưng vẫn “è cổ” đóng phí vì phải đi qua trạm thu phí.

Trao đổi với PV Dân Việt, nhiều người dân và doanh nhân ở Đà Nẵng rất bất bình trước việc trạm BOT Phước Tượng - Phú Gia được đặt ở vị trí cuối thị trấn Lăng Cô. Ông Nguyễn Hoàng Quý (người chuyên làm dịch vụ chở khách từ Đà Nẵng ra Lăng Cô nghỉ dưỡng) cho biết: “Hầm ở đầu thị trấn trong khi họ xây trạm thu phí ở cuối thị trấn. Đặt trạm kiểu tận thu như thế khiến tôi cũng như rất nhiều người làm nghề chở khách từ Đà Nẵng ra Lăng Cô bị “móc túi” một khoản tiền không nhỏ trong mỗi chuyến đi”.

 Ông Phạm Đình Toại - Giám đốc Làng Cò resort (thị trấn Lăng Cô) cho biết, trạm thu phí trên phải đặt ngay trước cửa phía Nam hầm Phú Gia mới phù hợp nhưng không hiểu vì sao người ta lại đặt ở cuối thị trấn Lăng Cô, cách hầm rất nhiều km.  

img

Tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí BOT Phước Tượng - Phú Gia. 

Theo ông Toại, cũng như tất cả các nhà hàng, khu du lịch ở Lăng Cô, khu resort của ông ăn nên làm ra nhờ khách từ Đà Nẵng ra sử dụng dịch vụ. Việc đặt trạm thu phí ở vị trí trên sẽ khiến du khách từ Đà Nẵng ra Lăng Cô bằng ôtô phải đóng phí khi qua trạm trong khi họ không hề lưu thông qua hầm đường bộ. Tình trạng này sẽ khiến du khách bức xúc vì phải đóng phí vô lý, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển du lịch ở Lăng Cô.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Văn Châu - người đại diện Ban Quản lý dự án 4 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) điều hành trực tiếp dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia cho biết: Trước đây trạm thu phí Phước Tượng- Phú Gia được dự kiến đặt ở xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc. Tuy nhiên, do việc đặt trạm ở đây nhiều xe có thể né trạm bằng việc đi đường tắt nên mới chuyển về cuối thị trấn Lăng Cô. Mặt khác, việc xây dựng trạm thu phí này cách xa hầm còn do quy định tối thiểu 70km mới được đặt 1 trạm thu phí.

Theo ông Châu, việc dựng trạm thu phí ở cuối thị trấn Lăng Cô đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và các bộ: Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, GTVT chấp thuận. Hiện vì dự án nằm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế nên chưa có hướng giải quyết đối với các phương tiện ôtô ở Đà Nẵng qua về giữa Lăng Cô và Đà Nẵng không đi qua đường hầm nhưng vẫn phải đóng phí. 

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, vị trí của trạm BOT Phước Tượng - Phú Gia hiện  nay không đảm bảo quy định về khoảng cách giữa các trạm thu phí. Cụ thể, trạm này được đặt cách Trạm thu phí Phú Bài (đặt tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, thuộc Dự án mở rộng quốc lộ 1A, được phê duyệt xây dựng theo hình thức BOT do Công ty TNHH Trùng Phương làm chủ đầu tư) chỉ hơn 50km, không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km theo quy định.