Cái mánh khóe ấy bắt đầu bên Mỹ từ đầu thế kỷ 19 khi người châu Âu sang lập nghiệp. Hai mươi mốt tuổi, vào năm 1902, Charles Ponzi từ Italia đến Mỹ với 2 đô la rưỡi trong túi. Y rửa bát cho các nhà hàng để kiếm sống, đêm xuống thì ngủ trên sàn nhà. Ponzi nghĩ ra mô hình “quỵt nợ” lấy sau trả trước, cho đến nay vẫn mang tên y và đến năm 1920, mỗi ngày y làm ra 250.000USD lợi nhuận (tương đương khoảng 2 triệu rưỡi USD hôm nay). Cuối cùng y chết trong một nhà thương làm phúc vào năm 1949 ở Brazil.
Tưởng Ponzi là kẻ đầu tiên cũng là cuối cùng vì mánh lừa quá lộ, lãi 10% một tháng thì trẻ con cũng không thèm tin. Nhưng cho đến nay thế giới đã nhiều phen lao đao vì có một lô một lốc Ponzi như Dona Branca, Nicholas Cosmo, Sergei Panteleevich Mavrodi, Lou Pearlman v.v... và gần đây nhất là Bernard Madoff.
Ở nước ta có rất nhiều vụ nổi đình đám nhất bị cơ quan pháp luật bóc dỡ. Và thật lạ lùng, đến nay thiên hạ vẫn lao vào cho vay nặng lãi để kiếm lời. Hãy nghĩ lại mà xem: Cầm trong tay mười triệu bạc mà mỗi tháng phải trả đến 1 triệu tiền lãi thì người vay lấy đâu ra. Có đi ăn cướp cũng chưa chắc đủ tiền trả lãi huống gì vốn. Và nông dân ta vốn thật thà, dễ tin người, lại làm ăn, kiếm sống quá vất vả nên khi bọn chuyên nghề xù nợ về làng thì chúng trúng mánh một cách dễ dàng.
Chúng đã thật sự đưa bão nợ, bão tín dụng về nhiều vùng nông thôn yên tĩnh.
Mất tiền, nhiều khi cả gia sản, tất cả đều do lòng tham và kém hiểu biết. Tham sân si… Đức Phật dạy từ lâu, chuốc lấy khổ nạn chỉ vì lòng tham quá mạnh đó thôi. Hãy cảnh giác với bọn lừa đã đành, nhưng hãy cảnh giác với ngay cả chính mình nữa.
Nguyễn Quang Thân