Dân Việt

Tranh luận kịch liệt đề xuất 'đưa Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa'

Tùng Anh 06/12/2017 14:27 GMT+7
Mới đây, anh Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh trường Trường ĐH Newcastle (Australia) đã có đề xuất nên đưa tác phẩm “Chí Phèo” ra khỏi sách giáo khoa chương trình lớp 11. Ý kiến này đã gây “bão” dư luận, đặc biệt đối với nhiều giáo viên và học sinh phổ thông.

Theo lập luận của anh Nguyễn Sóng Hiền, tác phẩm “Chí Phèo” mặc dù đã được đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 11 từ rất lâu đời và trở thành đề thi ĐH nhiều năm nay, nhưng ở góc độ giáo dục, theo anh Hiền là chưa thỏa mãn và cần cân nhắc lại.

Anh Hiền cho rằng, hình ảnh Chí Phèo chỉ là bi kịch của một cá nhân. Chí xuất thân không cha, không mẹ, không nhà, không cửa, không người thân... Hình ảnh này có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào, xã hội nào, không thể điển hình cho một tầng lớp nào trong xã hội, cũng không thể quy chụp rằng Chí bị xã hội phong kiến lưu manh hóa hay bị cường hào ác bá làm hại.

img

NCS Nguyễn Sóng Hiền cho rằng cuộc tình Chí Phèo - Thị Nở là hành động cưỡng dâm đáng lên án (Ảnh minh họa: IT)

Mặt khác, theo anh Hiền, nhiều nhà phê bình và học giả còn hình tượng hoá cảnh Chí uống rượu say rồi cưỡng bức Thị Nở và xem đó như sự thức tỉnh tính thiện trong con người Chí.

Trong bất kỳ xã hội nào, hành động cưỡng bức đó đều đáng lên án. Chí đã phạm pháp. Dù về mặt nhận thức, hắn không ý thức hành vi của mình, nhưng về khía cạnh giáo dục đó là hành động cần phê phán. Mà cưỡng bức với một người thiểu năng như Thị Nở thì càng phải lên án và phê phán thích đáng hơn. Chúng ta không thể và không nên bảo vệ những hành vi trái pháp luật. Điều đó chẳng khác gì cổ suý cho lớp trẻ bắt chước làm theo....

Với những lập luận đó, anh Hiền cho rằng nếu vẫn tiếp tục giữ tác phẩm này trong sách giáo khoa phổ thông có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức cho học sinh.

Ngay sau khi ý kiến này được đăng tải trên phương tiện truyền thông, rất nhiều giáo viên văn và học  sinh phổ thông đã bày tỏ quan điểm trái chiều và cho rằng, đề xuất cho tác phẩm này khỏi sách giáo khoa là rất vô lý.

Em Nguyễn Thị Ánh  – học sinh chuyên văn tại Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho rằng, đối với rất nhiều thế hệ học sinh, tác phẩm này không chỉ để lại dấu ấn nhân văn mà còn có giá trị tái hiện một góc của lịch sử. “Khi tìm hiểu tác phẩm, các thầy cô cũng hướng cho bọn em vào bối cảnh lịch sử khi tác phẩm ra đời để có cái nhìn tròn trịa nhất. Không chỉ trong sách vở, tác phẩm này còn được học sinh diễn lại qua các tiểu cảnh trong hoạt động ngoại khóa của trường. Những bài học rút ra là hiểu về lịch sử, bản chất thời đại, giá trị của tình yêu, tình người... Chưa bao giờ em hiểu đó là một nhân vật có ảnh hưởng xấu đến nhận thức như anh Hiền phân tích” – Ánh cho biết.

Cô Bùi Thị Thúy – Giáo viên văn tại một trường THPT ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng) thì cho rằng, mỗi tác phẩm văn học nên đặt nó vào một giai đoạn lịch sử nhất định để hiểu nó. Cảm thụ văn học không giống như cách nói 1 với 1 là 2 được.

“Tất nhiên nghiên cứu sinh Song Hiền có thể có quan điểm cảm thụ riêng và rút ra bài học riêng của mình nhưng cái cách bạn ấy bê tác phẩm ra khỏi bối cảnh lịch sử rồi cho rằng nó có thể ảnh hướng xấu đến giới trẻ thì thật đáng buồn” – cô Thúy nói.

Cô Phạm Thị Thắm – giáo viên văn tại  Hạ Hòa (Phú Thọ) thì cho rằng, gần 20 năm dạy văn, giúp học sinh cảm thụ các tác phẩm văn học, chưa khi nào cô thấy học sinh của mình nhìn nhận nhân vật Chí Phèo như một nhân vật có ảnh hưởng xấu.

“Chí Phèo là một kiệt tác văn học Việt Nam thế kỷ 20, nhà văn Nam Cao đã cho ra đời đứa con tinh thần này bằng nước mắt và có thể là bằng những trải nghiệm xương máu của thời đại ông sống. Việc cảm nhận rất hời hợt và nông cạn của người đưa ra đề xuất khiến nhiều giáo viên cảm thấy thất vọng. Đáng buồn nhất là bạn ấy còn nhìn nhận tình yêu nơi vườn chuối của Chí Phèo – Thị Nở là một cuộc cưỡng hiếp, cưỡng dâm không hơn không kém. Nếu như cảm thụ văn học mà chỉ nhìn được phần nghĩa đen không hiểu được các lớp lớp tầng tầng ý nghĩa bên trong thì tốt nhất không nên đọc sách, đọc truyện và phân tích văn học nữa” – cô Thắm nói.