Dân Việt

“Tín dụng đen” bóc lột nông dân nghèo (Kỳ 2): Làm thuê trên đất của mình

Lê Kiến 07/12/2017 06:00 GMT+7
Tài sản lớn nhất của nông dân là con trâu, con bò, mảnh đất trồng trọt..., nhưng vì khoản vay “lãi mẹ đẻ lãi con” khiến họ phải gán cho chủ nợ. Nhiều hộ từ vị thế người làm chủ đã thành người làm thuê trên chính mảnh đất của mình.

Từ chủ đất thành người làm công

Giữa cánh đồng buôn Liết (xã Chư Đrăng, huyện Krông Pa, Gia Lai) có một căn chòi rẫy bé xíu, rách nát nằm trơ trọi. Đấy là nơi cư trú của đôi vợ chồng trẻ Ksor Tep và Nay H’Thoa (ở buôn Đúc, xã Chư Gu). Từ ngày lập gia đình, đã 2 năm vợ chồng chị Nay H’Thoa vẫn chưa có mảnh đất riêng cho mình, họ ở căn chòi ấy và đi làm thuê, ăn uống kham khổ với nước suối, rau rừng. Trước đó, ông bà của H’Thoa nợ tiền vay phân bón, nợ tiền cày đất, mua gạo ăn, đến lúc qua đời khoản nợ vẫn còn. Đến đời bố mẹ H’Thoa vẫn trả không nổi, 4ha đất đành gán cho chủ nợ. Và giờ, vợ chồng H’Thoa không có đất canh tác phải đi sang xã khác làm thuê.

img

Vợ chồng chị Nay H'Thoa không có đất sản xuất phải sang xã khác làm thuê.  Ảnh: L.K

Bà Nay H’roen - mẹ của H’Thoa, kể: “Không rõ bố mẹ mình vay mượn từ khi nào, nhưng cách đây 3 năm, chủ nợ thông báo món nợ giờ đã lên đến 80 triệu đồng. Hàng năm, đến vụ thu hoạch mì, chủ nợ đến thu hết không chừa một bao. Do còn túng thiếu, gia đình lại đi vay tiếp”.

Ông Nay Hem - Chủ tịch UBND xã Chư Drăng, cho biết, trên địa bàn xã có rất nhiều hộ vay của ông Đ. Từ vay tiền, ứng gạo… họ đều tìm đến chỗ ông Đ. Nếu vay năm này trả không được thì sang năm nợ tăng lên gấp đôi. Nhiều hộ nợ nần đến đời con vẫn không trả hết được. Có nhiều trường hợp người dân còn lấy đất cấn nợ, rồi đi làm thuê cho chủ nợ ngay trên đất của mình, nông sản làm ra đều bán lại cho chủ nợ. Việc này người dân không có ý kiến gì, có hỏi họ cũng không dám nói vì sợ chủ nợ không cho vay mượn tiền nữa. Vừa qua, mưa lũ gây mất mùa, khả năng người dân lại tiếp tục đi vay nợ thêm...

"Khi cần, người dân cứ tìm chủ nợ ứng tiền, gạo, phân bón, chi phí lo chữa chạy lúc ốm đau… Nhiều hộ từ năm này qua năm khác không trả nổi, bị tính lãi gấp đôi, nhiều gia đình bị siết đất. Khi đã dính đến “tín dụng đen”, hộ làm ăn được thì ít mà nghèo đi thì nhiều, người dân làm chỉ để nuôi chủ nợ”.

Ông Nay Nguyên

Tại huyện Kbang (Gia Lai), theo tìm hiểu của phóng viên Báo NTNN, có hàng trăm hộ dân nợ tiền cũng đành phải gán đất cho chủ nợ - trên “hợp đồng miệng” là cho thuê. Chỉ cần chủ nợ trải qua 5-10 năm liên tục canh tác trên đất này và dần hợp thức hóa thành đất của mình, tránh sự ngăn cản của cơ quan nhà nước. Hộ ông Đinh Rang - bà Đinh Thị MDóc (làng Broch, xã Đông) từng nợ 68 triệu đồng không có khả năng trả nợ, phải gán 1,3ha đất cho chủ nợ thuê 8 năm. Không còn đất canh tác, gia đình ông ngậm ngùi làm thuê trên đất của mình. Sự việc được chính quyền can thiệp kịp thời nên ông bà mới thoát cảnh làm thuê.

Phân tích vấn đề thiệt hơn từ tín dụng đen, ông Nay Nguyên - Trưởng buôn H’ngôm (xã Chư Đrăng, Krông Pa) nói thẳng: Bà con hầu hết không biết chữ, không rành sổ sách, chủ đầu tư ghi nợ và tính lãi bao nhiêu thì họ đành chấp nhận. Khi cần, người dân cứ tìm chủ nợ ứng tiền, gạo, phân bón, chi phí lo chữa chạy lúc ốm đau… Nhiều hộ từ năm này qua năm khác không trả nổi, bị tính lãi gấp đôi, nhiều gia đình bị siết đất. Khi đã dính đến “tín dụng đen”, hộ làm ăn được thì ít mà nghèo đi thì nhiều, người dân làm chỉ để nuôi chủ nợ.

“Ân nhân” hay gieo nợ?

Thực tế, nhiều người dân vay nợ “tín dụng đen” ngày càng lún sâu trong nợ nần dẫn đến mất đất, bán trâu bò. Tuy nhiên, khi nói về những khoản cho vay này, các chủ nợ này đều cho rằng: Việc cho vay không hề ép buộc ai, khi bà con cần thì tôi cho mượn hoàn toàn tự nguyện. Nói thẳng là giúp bà con lúc khó khăn...

img

Thủ tục vay hết sức dễ dàng với mẩu giấy ghi nợ. Ảnh: L.K

Tại xã Chư Đrăng (huyện Krông Pa), ông N.V.Đ được coi là chủ nợ lớn hiện nay, các kiểu từ vay tiền, ứng phân bón, gạo hay cày thuê đất đều được ông bao quát như “nhà đầu tư lớn”. Trong lúc nhiều hộ dân vay nợ ngày càng lâm cảnh khó khăn thì ông càng phát đạt, nhà cao cửa rộng, đi ô tô sang.

“Thấy người dân khó khăn thì tôi cho vay, còn việc siết đất, siết tài sản là không có. Tiền cày 1 triệu đồng thì tôi lấy người ta 1 triệu đồng, với điều kiện họ phải bán hàng cho tôi. Tôi làm ở đây 20 năm qua không thấy ai có kiện cáo gì” - ông Đ. nói.

img

Khi được hỏi về khoản cho vay, ông N.H.T (xã A Dơk, huyện Đăk Đoa) không ngần ngại cho hay: Vợ chồng tôi cho vay đã mấy trăm hộ, nhiều nhất là vay 10 tấn cà phê tươi. Số tiền này, vợ chồng tôi đều đi vay mượn rồi cho vay lại thôi. Từ đầu mùa, các hộ dân đến xin vay theo kiểu “gặt lúa non” – vay tính theo sản phẩm chứ không phải trả tiền. Theo đó, đầu vụ người dân chốt giá vay trước cho tôi là 6.000 đồng/kg quả tươi, cứ thế đến mùa thu hoạch thì trả sản phẩm. Tôi làm như thế này là lời ăn lỗ chịu, nếu giá lên gấp đôi đi nữa cũng phải bán giá 6.000 đồng/kg. Việc cho vay này hoàn toàn tự nguyện, chứ không o ép gì.

Còn ông B.V.N (tổ dân phố 15, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) kể khổ: “Tôi cho vay trên cơ sở 2 bên thỏa thuận, dù biết việc thu vốn và lãi rất khó khăn, có nhiều trường hợp tôi cũng không có giải pháp gì để thu nợ”.

Về những trường hợp cho vay như vậy, ông Ksor Nhói - Trưởng Công an xã Chư Gu (huyện Krông Pa), nhận định: Đây là kiểu kinh doanh trá hình. Ví dụ, người dân vay gạo ăn, 1 bao trị giá 500.000 đồng, đến khi trả lãi lẫn gốc thành 1 triệu, nhưng chủ nợ lại bắt người dân ký nhận vay 1 triệu. Thường các hộ dân vay tiền, ứng phân bón… lâu dần thành lãi mẹ đẻ lãi con không trả nổi, dồn thành một cục nợ lớn. Nhiều gia đình phải bỏ rẫy, khó lại càng khó.

Đặc điểm của “tín dụng đen”
“Tín dụng đen” đã và đang tồn tại dưới nhiều hình thức công khai, phổ biến với một số đặc điểm cơ bản như: Lãi suất cao và thường được thỏa thuận bằng miệng (lãi suất huy động và cho vay thường cao hơn từ 3 - 5 lần, thậm chí còn cao hơn so với mặt bằng lãi suất của các kênh tín dụng chính thống).
Thời gian huy động và cho vay ngắn (thời gian huy động vốn thường tính theo tháng, tái diễn theo thảo thuận và được ngụy trang bằng trả lãi sòng phẳng ở những kỳ trả lãi đầu tiên; thời gian vay chỉ tính bằng ngày, bằng tuần, tối đa chỉ một vài tháng).
 Hình thức vay nhanh gọn, tiện lợi (thời gian giải ngân nhanh và thường chỉ trong ngày khi đạt được thỏa thuận, bên cho vay có thể được bảo đảm bằng tài sản hoặc bằng “niềm tin” của bên đi vay).
Bên cạnh đó, lãi cho vay “tín dụng đen” được tính vào gốc và ghi ngay vào giấy nhận nợ ở thời điểm nhận tiền vay. Đến hạn trả, nếu bên vay không trả được nợ, các hình thức đòi nợ bằng “xã hội đen” được áp dụng. Ngược lại, người gửi tiền rất khó có thể lấy lại được tiền khi các con nợ là “xã hội đen” gặp khó khăn về thanh khoản.

T.A (theo Ngân hàng Nhà nước)