Khu Dinh thự họ Vương tọa lạc dưới thung lũng Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Khu dinh thự được bao quanh bởi những núi đá vôi và che khuất trong những hàng cây sa mộc.
Hơn một thế kỷ trước, với nghề trồng và buôn thuốc phiện, dòng họ Vương đã thống lĩnh toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn ở Hà Giang. Và người đứng đầu họ Vương bấy giờ là Vương Chính Đức (1865 – 1947) được bà con dân tộc Mông gọi là vua Mèo.
Toàn bộ dinh thự họ Vương có diện tích gần 3.000 m2, được khởi công vào năm 1919 và hoàn thành năm 1928. Quá trình xây dựng tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay.
Ngày 23/7/1993, khu dinh thự đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp vào hạng di tích quốc gia.
Trước khi khởi công xây dựng, vua Mèo Vương Chính Đức đã sang Trung Quốc tìm thầy phong thủy sang Việt Nam đi qua khu vực 4 huyện nằm trong quyền cai quản của mình để chọn địa thế đất. Cuối cùng, Vương Chính Đức và thầy quyết định dừng chân tại thung lũng Sà Phìn.
Dinh thự vua Mèo có ảnh hưởng kiến trúc của 3 nền văn hóa: Trung Quốc, người Mông và Pháp. Toàn bộ khu dinh thự do một người thợ quê gốc Nam Định thiết kế và hoàn toàn do đồng bào người Mông làm thủ công.
Ngôi nhà có 4 nhà ngang, 6 nhà dọc, được chia thành tiền dinh, trung dinh và hậu dinh có 64 buồng được xây 2 tầng tường bằng đá xanh, mái vách bằng gỗ thông và ngói làm từ đất nung.
Khu Tiền dinh là nơi ở của lính canh, lính hộ vệ và nô tì. Trung dinh và Hậu dinh là nơi ở, làm việc của thành viên trong gia tộc họ Vương.
Vua Mèo Vương Chính Đức ở gian Hậu dinh, còn ba bà vợ ở Trung dinh.
Người vợ thứ nhất sinh được hai người con trai là Vương Chính Tinh và Vương Chính Sình. Bà vợ ba có con trai là Vương Chính Trư. Bà vợ hai không được nhắc đến nhiều trong tộc họ Vương vì không sinh được con trai.
Khu vực Trung dinh được chia làm nhiều phòng khác nhau như phòng cất giữ tài sản quý, phòng hút thuốc phiện…
Những năm Pháp bắt đầu xâm chiếm đất Đồng Văn, Vương Chính Đức cho xây dựng lô cốt có lính canh, mục đích chính là để bảo vệ nhà của mình.
Trên các tháp canh có cất giữ súng và có các lỗ châu mai để đối phó với kẻ thù. Rất may thời đó, người Pháp cũng chưa bao giờ xâm nhập tới đây mà chỉ mới chiếm khu Đồng Văn, Quản Bạ.
Gian bếp là nơi nấu nướng và ăn uống của gia tộc họ Vương.
Hiện tại bên trong dinh thự còn lưu giữ được nhiều hiện vật gốc như cối đá, bếp sưởi, bàn ghế gỗ tiếp khách, chậu tắm làm bằng đá…
Toàn bộ gỗ của ngôi nhà trước đây được làm từ gỗ thông đá, tuy nhiên, sau khi được xếp hạng Di tích quốc gia, các vật liệu gỗ của ngôi nhà đã bị thay đổi khoảng 60% bằng gỗ lim và gỗ nghiến.
Năm 2004, gia đình họ Vương đã cống hiến dinh thự cho Nhà nước bảo tồn. Du khách muốn vào tham quan phải mua vé từ ngoài cổng.
Dinh thự họ Vương đã trở thành một điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách mỗi lần đến Hà Giang.