Dân Việt

Quyết liệt hơn trong chống lạm phát

28/10/2011 06:02 GMT+7
(Dân Việt) - Chính phủ cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt mới có thể giành thắng lợi trong “cuộc chiến” chống lạm phát. Đó là ý kiến của đa phần đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về KT-XH ngày 27.10.

Nỗ lực giảm giá tiêu dùng

Mở đầu phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hoà Bình) cho rằng những năm gần đây, kinh tế nước ta luôn lặp lại chu kỳ lạm phát, suy giảm, lạm phát. Lạm phát những tháng qua có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn ở mức cao gây khó khăn cho nền kinh tế và đời sống người dân.

img
Các đại biểu thảo luận bên hành lang Quốc hội chiều 27.10.

ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng trong thời gian tới nếu nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng, giá vàng tiếp tục tăng thì “không biết điều gì sẽ xảy ra đối với tình hình lạm phát của chúng ta”.

“Nguyên nhân thì nhiều” nhưng ông Thanh nhấn mạnh đến các chính sách tài chính và tài khóa, đặc biệt là sự bung ra quá mạnh của hệ thống ngân hàng, ngân hàng nhận tiền vay đi “ôm” bất động sản, tín dụng “đen” bùng phát… Hậu quả là ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, đặc biệt là người nghèo, công chức và người về hưu hưởng lương.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đồng tình với kịch bản kinh tế 2012 của Chính phủ đưa ra là ưu tiên chống lạm phát và chấp nhận đà tăng trưởng thấp hơn năm 2011 để tạo nên tăng trưởng bền vững. Ông Lịch cho rằng, để thực hiện mục tiêu đó phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn. “Các giải pháp đưa ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ là đồng bộ nhưng trên thực tế triển khai lại chỉ chú trọng đến một vài giải pháp. Đây là một căn bệnh kinh niên của chúng ta” – ông Lịch nói.

Đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế

ĐB Trần Du Lịch đồng tình việc tái cơ cấu nền kinh tế đã được đưa vào Nghị quyết của hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 vừa qua. Giải pháp ông Lịch đề xuất là cần chú trọng vào tái cơ cấu đầu tư công. Theo đó, đầu tư nhà nước phải có ý nghĩa thúc đẩy đầu tư xã hội. Một số đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần triển khai nhanh, có hiệu quả việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Mức lạm phát ước tính cho năm 2011 lên khoảng 18%; mục tiêu cho chỉ số này trong năm 2012 do Chính phủ đề xuất là dưới 10%. Tốc độ tăng trưởng GDP Quốc hội đặt ra cho năm 2011 là 7-7,5%, hiện ước đạt 6%. GDP được Chính phủ đề xuất cho năm 2012 là 6-6,5%.

ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) cho rằng cần nhanh chóng rà soát các doanh nghiệp thua lỗ để xử lý về vốn, giải quyết nợ để tái cơ cấu. ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) đề nghị quá trình tái cơ cấu nền kinh tế phải gắn liền với phát triển kinh tế vùng. Theo ông Cự, các tỉnh trong một vùng kinh tế cần phải được quy hoạch để “dùng chung” các cơ sở hạ tầng như cảng biển, đường giao thông, sân bay nhà ga... Ngoài ra, các địa phương trong vùng kinh tế phải hỗ trợ nhau về nhân lực, nguyên liệu hay sản phẩm phụ trợ.

ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) đề nghị phải lấy ý kiến người dân và các chuyên gia trong lần tái cơ cấu nền kinh tế này. Các viện nghiên cứu, các trường đại học cùng tham gia xây dựng đề án tái cơ cấu. Ban Bí thư và lãnh đạo Chính phủ cần chủ trì một số hội thảo khoa học về vấn đề này để quyết định một phương án tối ưu nhất.