Tại SEA Games 2011, môn đánh bài Bridge có tới 9 bộ huy chương. Môn này được coi là “đặc sản” của xứ vạn đảo Indonesia. Tuy nhiên, đoàn Thể thao Việt Nam sẽ không tham dự môn này.
Ảnh minh họa |
Trao đổi với Dân Việt, ông Đặng Tất Thắng - Trưởng bộ môn Cờ Tổng cục TDTT - một người rất đam mê cờ và chả ngại gì các thế cờ “hiểm” nói thẳng: “Môn này rất phức tạp, cứ như “ma trận” vậy. Nó vừa giống cách chơi bài tiến lên, vừa giống cách chơi xì tố và cả cách chơi tấn nữa. Chúng tôi gồm những cán bộ môn cờ đã tập luyện trong khoảng hơn một tuần trong tháng Tám nhưng thấy không ăn thua, nên thôi”.
Về sự phức tạp của cách chơi, ông Thắng cho biết: “Mỗi đội chơi gồm 4 người chia làm hai “mâm”, hai người cùng đội ngồi một “mâm” đánh chéo cánh. Mỗi người 13 cây tương đương 13 lần ra quân, không thể thay đổi. Trước cuộc chơi có giao kèo rõ ràng, tùy theo bài của mình mà “tố”.
Ví dụ đội A1 (chéo cánh với A2 đấu với B1, B2) nếu có nhiều quân cơ, thì chọn cơ làm quân chủ, “tố” sẽ thắng trong 7 ván (7 lần ra quân). Mâm bên cạnh, đội B3 (chéo cánh B4 đấu với A3, A4) được quyền tố, nếu có nhiều quân tép, chọn tép làm chủ, và “tố” sẽ thắng trong 8 ván.
Sau mỗi lần ra quân kết thúc, lại đổi người từ “mâm 1” sang “mâm 2” cho “xanh chín”. Kết quả chung cuộc sẽ được tính bằng tổng tỷ số giữa hai mâm, chọn ra đội thắng cuộc.
“Môn chơi bài này đã có tài liệu của chuyên gia nước ngoài nhưng càng chơi càng… khó. Nói chung là phải mất 3-4 tháng mới gọi là biết chơi. Vậy nên đành hẹn kỳ SEA Games khác vậy”, một cán bộ môn cờ từng qua lớp luyện đánh bài Bridge “bật mí”.
Tuệ Minh