Trong đó, đạm (N) là thành phần quan trọng trong các chất hữu cơ cơ bản và cần thiết cho sự sinh trưởng của cây như chất diệp lục, nguyên sinh chất, axit nucleic (AND và ARN), các loại men, chất điều hòa sinh trưởng. Cây hút đạm chủ yếu ở dạng NH4+ và NO3-. Các dạng đạm này phần lớn có trong phân đạm hóa học, một số rất ít từ phân hữu cơ.
Bón đúng và bón đủ NPK sẽ giúp cây tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. |
Cây bón đủ đạm sẽ sinh trưởng nhanh, ra nhiều chồi, lá, cành, trái nhiều, lớn, năng suất cao, chất lượng tốt. Người ta đã tính cứ 1kg đạm trong cây có thể cho 15kg hạt, 10kg đường, 70kg khoai tây hoặc 25kg rơm rạ. Tuy nhiên không phải bón nhiều đạm là tốt vì nếu thừa đạm, cây có thể phát triển mạnh nhưng mềm yếu, dễ đổ ngã, dễ nhiễm sâu bệnh, hạt và quả có thể nhiều nhưng chất lượng kém.
Lân (P) có vai trò cung cấp chất trong quá trình trao đổi năng lượng và tổng hợp protein. Lân là thành phần chủ yếu của các chất ADP và ATP, những chất dự trữ năng lượng cho các quá trình sinh hóa trong cây, đặc biệt là quá trình quang hợp, sự tạo thành phần chất béo và protein.
Lân thúc đẩy sự phát triển của hệ rễ, ra hoa và hình thành quả ở cây. Lân giúp cây tăng khả năng chống chịu với các điều kiện bất thuận như rét, hạn, sâu bệnh, đặc biệt hạn chế tác hại của việc bón thừa đạm. Bón đủ lân, cây không những sinh trưởng tốt, cho năng suất cao mà chất lượng nông sản cũng cao. Nhưng nếu bón thừa lân, các lá non mất màu xanh, đầu lá đen, lá già bị nứt gãy, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây.
Riêng kali (K) lại tham gia tích cực vào quá trình quang hợp, tổng hợp nên các chất gluxit của cây, làm tăng khả năng thẩm thấu nước ở tế bào khí khổng, giúp điều chỉnh sự khuyếch tán CO2, đồng thời làm tăng khả năng sử dụng ánh sáng cho cây trong điều kiện thời tiết ít nắng.
Kali có trong thành phần của 60 loại men thực vật điều tiết các hoạt động sống của cây với tác dụng như một số chất xúc tác. Vì thế, nó cũng góp phần thúc đẩy quá trình tổng hợp đạm trong cây, làm giảm tác hại của việc bón quá nhiều đạm, phòng chống lốp đổ cho cây hòa thảo, thúc đẩy sự ra hoa.
Kali còn làm tăng hàm lượng chất bột, đường giúp tăng chất lượng hạt, quả. Thiếu kali trước hết các lá già chuyển màu nâu, chóp và rìa lá khô dần, sau lan dần đến các lá non, cây phát triển chậm, mềm yếu, dễ đổ ngã. Thừa kali sẽ dẫn tới thiếu Mg, đôi khi ảnh hưởng đến sự hút Mn, Zn và Fe.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa