“Nam dược trị nam nhân”
Việt Nam có khoảng 10 triệu người bị viêm gan B (VGB), 25 - 40% số này tử vong do xơ gan hoặc ung thư gan. Vì thế, việc tìm ra thuốc điều trị có hiệu quả luôn là mong mỏi của các nhà dược học. Vì thế, khi phát hiện dược chất bảo vệ gan trong 2 loại thảo dược cà gai leo và mật nhân, các nhà khoa học ở Việt Nam đã nghiên cứu khá kỹ.
Điều trị bệnh nhân viêm gan B bằng thảo dược tại Bệnh viện Y học cổ truyền. |
Cà gai leo tên khoa học là Solanum hainanense Hance, thuộc họ cà (Solananceae). Cà gai leo được PGS - TS Phạm Kim Mãn, TS Nguyễn Thị Minh Khai – Viện Dược liệu T.Ư nghiên cứu từ những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước. Bộ phận dùng là rễ, cành, lá, quả thu hái quanh năm, đem rửa sạch, thái nhỏ, phơi hay sấy khô. Mỗi ngày dùng 100g sắc uống hoặc đun thay nước uống hàng ngày. Theo TS Minh Khai, loại thảo dược này phát huy tác dụng khá tốt khi sử dụng dạng cây thuốc (chưa chiết xuất).
Theo kinh nghiệm dân gian, cà gai leo dùng chữa phong thấp, đau nhức răng, sâu răng, chảy máu chân răng. Một số báo cáo cho biết cà gai leo có tác dụng chữa say rượu, ngộ độc rượu rất tốt. Nhiều người cho rằng khi uống rượu chỉ cần dùng rễ cà gai leo sát vào răng sẽ tránh được say rượu. Nếu bị say thì uống nước sắc cây cà gai leo là sẽ nhanh chóng tỉnh rượu. Nghiên cứu hóa dược đã chứng minh hoạt chất chính của cà gai leo là Glycoalcaloid, có tác dụng bảo vệ gan, ức chế phát triển xơ gan.
Tăng hiệu quả khi bào chế
Ở dạng thuốc đã bào chế, thuốc bảo vệ gan chiết xuất từ cà gai leo cho kết quả tốt. TS Minh Khai cho biết, thực nghiệm lâm sàng trên 60 bệnh nhân viêm gan mạn cho thấy 66,7% số này giảm và hết triệu chứng bệnh bởi thuốc có tác dụng làm giảm nhanh các triệu chứng lâm sàng (mệt mỏi, đau tức hạ sườn phải, nước tiểu vàng, da và niêm mạc vàng…), men gan Tranaminase và Bilirubin trở về mức bình thường nhanh hơn so với nhóm chứng. Thuốc không gây tác dụng phụ.
Một nghiên cứu khác về thực nghiệm lâm sàng điều trị ngộ độc gan do tiếp xúc với hóa chất cho thấy cao đặc cà gai leo có tác dụng hạn chế tăng trọng lượng gan do nhiễm độc, ngăn chặn thoái hóa mỡ và chảy máu vi thể trong nhu mô gan, giảm sự hủy hoại tế bào và nhu mô gan, do đó bảo tồn được cấu trúc tiểu thuỳ gan. Theo các nhà dược liệu học, so với một số thuốc mới hiện nay, cà gai leo thể hiện tính ưu việt vì nó có thể làm hết các triệu chứng cơ năng của bệnh viêm gan B mạn tính hoạt động như vàng da, vàng mắt, đau tức hạ sườn phải, kém ăn mệt mỏi...
Cùng với cà gai leo, mật nhân cũng được các nhà khoa học coi là một dược liệu quan trọng dùng làm thuốc chữa viêm gan. Mật nhân còn có tên khác là chục bệnh, bách bệnh, có những tác dụng dược lý đã được chứng minh như tăng cường sinh lý, có mối liên quan giữa hoạt tính sinh dục nam và lượng tiết tố sinh dục nam trong huyết thanh, lợi mật, làm chậm quá trình hư biến ở gan, tăng sự tái tạo của tế bào gan, giảm bilirubin máu.
Theo kinh nghiệm dân gian, vỏ thân cây mật nhân được dùng chữa chứng khó tiêu, nôn mửa, đầy bụng, tiêu chảy, sốt rét, giải độc rượu, đau lưng mỏi gối do thấp... Đặc biệt, mật nhân còn có tác dụng bảo vệ gan và thải trừ độc tố khỏi cơ thể rất mạnh.
Xuân Hương