Bài Chòi - Trò diễn xướng dân gian đặc sắc
Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam là loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Bài Chòi có hai hình thức chính: "Chơi Bài Chòi" và "Trình diễn Bài Chòi". Chơi Bài Chòi liên quan đến một trò chơi thẻ bài trong chòi tre vào Tết Nguyên đán. Trong các buổi trình diễn của Bài Chòi, anh chị Hiệu biểu diễn trên chiếu cói, hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác hoặc trong những dịp riêng tư của các gia đình.
Nghệ thuật Bài Chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng làng xã. Người trình diễn và gia đình họ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các hình thức thực hành bằng cách giảng dạy các bài bản, kỹ năng ca hát, kỹ thuật trình diễn và phương pháp làm thẻ bài cho các thế hệ trẻ. Hầu hết, nghệ nhân đều được học kỹ năng, kỹ thuật hô, hát Bài Chòi trong gia đình, chủ yếu thông qua truyền miệng. Tuy nhiên, một số nghệ nhân Bài Chòi ngày nay cũng truyền dạy kiến thức và kỹ năng trong các hội, các câu lạc bộ và trường học.
Anh hiệu, chị hiệu đang hô Bài Chòi ở Bình Định. ảnh Dũ Tuấn
Cơ hội để Bài Chòi lưu truyền rộng rãi
Bài Chòi được công nhận Di sản sẽ có ý nghĩa rất lớn. Điều mong mỏi lớn nhất của tôi là thế hệ trẻ ngày càng yêu quý và hiểu biết hơn về Bài Chòi. Tôi sẵn sàng truyền đạt cho những ai yêu thích để giữ gìn nét văn hóa quê hương”. Nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Liễu (SN 1966, huyện Tuy Phước) |
Thông tin Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được lan tỏa khắp làng chài ở xã đảo Nhơn Châu (TP. Quy Nhơn, Bình Định). Ông Trần Hữu Phước (trú xã đảo Nhơn Châu), cho hay: “Bài Chòi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là khoảnh khắc gia đình tôi rất chờ đợi, quá hạnh phúc”.
Từ nhỏ, ông Phước đã đam mê Bài Chòi cổ khi nghe bà nội mình hát. Năm 2011, Trung tâm Văn hóa TP. Quy Nhơn mở lớp học Bài Chòi, ông đăng ký tham gia rồi cùng ngư dân thành lập Hội Bài Chòi dân gian trên Cù lao Xanh, xã Nhơn Châu.
“Để trở thành nhân vật anh Hiệu trong Bài Chòi cần phải luyện tập rất công phu. Bản thân tôi từ nhỏ đã tuyệt đối không uống bia rượu, cà phê để giữ giọng. Là người chủ trì các hội bài chòi, anh Hiệu phải nhớ và thuộc nhiều câu hát khác nhau, ứng với ý nghĩa của các thẻ bài”, ông Phước cho hay.
Anh Trần Huệ Thiện (con trai ông Phước) tâm sự: “Để hát được Bài Chòi thì ít nhất phải thuộc 27 câu hát đi đôi với 27 lá bài. Đối với thanh niên thì hát Bài Chòi rất khó, đòi hỏi kỹ năng, sự va chạm với ngôn ngữ, giọng điệu và cả đam mê”.
Theo ông Phước, nghệ thuật Bài Chòi trên Cù lao Xanh có nguy cơ mai một do thiếu kinh phí tổ chức. Không có sân chơi, vợ chồng ông Phước cùng những người yêu Bài Chòi trên đảo lặn lội vào đất liền để hát phục vụ bà con. Bà Lê Thị Hoa (vợ ông Phước) chia sẻ: “Vợ chồng tôi đi vào đất liền hát, mỗi người được 250.000 đồng/suất, tính chi phí thì chẳng dư ra bao nhiêu, nhưng vì tình yêu Bài Chòi nên không bỏ được. Vì vậy, việc Bài Chòi được công nhận Di sản văn hóa của nhân loại là điều tuyệt vời, sẽ giúp cho môn nghệ thuật này được lưu truyền rộng rãi”. /.