Đưa ra ý kiến tại Hội thảo góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức, PGS.TS Phạm Bích San - Viện nghiên cứu tư vấn phát triển tán thành việc Bộ GD&ĐT mạnh dạn đưa vào luật vấn đề xếp hạng lương cho giáo viên cao nhất thang bảng lương hành chính sự nghiệp.
Tuy nhiên, ông San lo ngại, việc đưa vào luật có thể làm được nhưng thực hiện thì không hề dễ. “Làm thế nào không chỉ trong luật mà các văn bản dưới luật, các nghị định, hướng dẫn cũng phải ghi rõ hướng làm và cách triển khai để đạt được mục đích. Nếu không, cũng như cái “bánh vẽ”, giáo viên khó có thể tin tưởng được” - ông San nói.
PGT.TS San cũng cho rằng: “Việc đưa vào luật nghe ra rất an ủi cho các thầy cô giáo. Nhưng khi các thầy cô giáo mầm non sau 30 năm công tác nhận được 1,3 triệu lương hưu mỗi tháng thì điều này không an ủi được gì nhiều. Chúng ta đang đưa ra những điều vĩ đại nhưng thực tế lại không có”.
Đề xuất nâng bậc lương cho giáo viên lên cao nhất khá nhân văn nhưng khó thực hiện. (Ảnh minh họa: IT)
Chính vì vậy PGS.TS San đề xuất, Bộ GD&ĐT nên quan tâm vào giải quyết những vấn đề thiết thực hơn như việc xây dựng các trường mầm non công lập ở các khu công nghiệp. Hiện nay, nhiều khu công nghiệp đang “trắng” trường mầm non. Con em công nhân phải gửi ở những nhóm lớp tự phát thiếu nghiệp vụ, thiếu an toàn. Đây là nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo hành trẻ làm dậy sóng dư luận nhiều năm qua.
Cũng bàn về đề xuất nâng bậc lương giáo viên, GS Nguyễn Lân Dũng - Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia cho rằng, đó là một điều khó thực hiện đến... khôi hài.
“Lương giáo viên cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp, tôi thấy khôi hài quá. Tôi chỉ ước lương giáo viên bằng được lương một anh cảnh sát giao thông thôi là vui rồi. Làm sao có thể cao nhất được” - GS Dũng nói.
Góp ý thêm về dự thảo Luật giáo dục, GS Nguyễn Lân Dũng còn cho rằng, một số mục tiêu đề ra trong luật rất xa vời, dài dòng nhưng lại thiếu. Lấy ví dụ, ông Dũng nói: “Luật đưa ra mục tiêu giáo dục là: ...phát huy tốt nhất khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu xây dựng bảo vệ tổ quốc, yêu cầu hội nhập quốc tế. Tôi nói thẳng, đó là mục tiêu của... anh hùng lao động. Nó quá to tát, quá vĩ mô. So sánh một chút, tôi mới được cử làm cố vấn hội liên hiệp thanh niên quốc tế, đại điện tổ chức 100 nước tham gia nhưng cái mục tiêu của tổ chức đề ra là: đào tạo thanh niên thành những người lương thiện. Quá hay, tôi chỉ mong học sinh của chúng ta trở thành những người lương thiện trước khi trở thành người tài”.
Trong khi đó, TS. Lê Viết Khuyến - Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) lại cho rằng, đi đôi với việc quan tâm đến tiền lương giáo viên, Bộ GD&ĐT cần có cơ chế để thu hút người giỏi vào trường sư phạm.
“Bộ “máy cái” là các thầy cô có giỏi, mới nói đến đổi mới giáo dục được” - ông Khuyến nhấn mạnh.
Ông Khuyến cũng cho rằng, đề xuất bỏ học phí cấp THCS là chưa cần thiết. Hiện nay, nhiều con em công nhân vẫn đang “cù bất cù bơ”, nên nghĩ cách làm thế nào để có thêm trường công lập cho đối tượng này, làm thế nào để các khu công nghiệp có các trường mầm non công lập học miễn phí, bởi lẽ, chi phí cho mầm non hiện đang là tốn kém nhất trong mỗi gia đình công nhân, gia đình nghèo.