Thời gian gần đây, vấn đề thành tích, kỳ vọng cao của gia đình thể hiện qua những con số bảng điểm khiến các em học sinh áp lực học tập, cùng sự cạnh tranh khốc liệt giữa các em đã để lại hậu quả nặng nề vì căng thẳng và không chịu nổi thất bại.
Nữ nhà văn Li Di.
Trước thực tế ấy, mới đây nhà văn Di Li (Nguyễn Thị Diệu Linh) đã gây bất ngờ khi công bố "học bạ học dốt toàn bộ các môn" từ thời THPT của mình để chia sẻ với các em học sinh về vấn đề này để chứng minh cho các em học sinh và các bậc phụ huynh rằng, điểm số trung bình của các môn học không phải điều tồi tệ, "không phải kim chỉ nam dẫn đến một cuộc đời bỏ đi".
Ngay khi đoạn chia sẻ trên xuất hiện trên mạng xã hội đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, đặc biệt là các bậc phụ huynh đang có con em trong độ tuổi đến trường.
Trong đoạn chia sẻ trên trang cá nhân, nhà văn Li Di cho biết, khi chứng kiến cảnh tượng ngay từ đầu năm học các em học sinh đã phải lao đi học thêm các môn "như con thiêu thân" nên cô quyết định chia sẻ bảng điểm thời đi học của mình cho các phụ huynh biết.
Đoạn chia sẻ của nữ nhà văn Di Li trên trang cá nhân thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
"Chỉ mới thi học kỳ I mà thấy các cháu học thêm khổ quá và bố mẹ các cháu căng lên như dây đàn nên cô Di Li chia sẻ toàn bộ HỌC BẠ (ghi đầy đủ điểm số các môn thời THPT) của cô lên để khích lệ các bậc phụ huynh rằng ngày xưa đi học... cô... dốt đều các môn.
Nếu sợ học bạ của cô làm giả... dốt thì sẽ có toàn thể bạn học cũ của cô trên facebook đây làm chứng".
Nhà văn Di Li cũng cho rằng không thể chỉ dựa vào bảng điểm, kết quả của để xác định tương lai của các em học sinh. "Bởi nếu bố mẹ các cháu vẫn khăng khăng rằng bài kiểm tra Vật lý của các cháu hôm nay điểm kém, điểm trung bình môn Giáo dục Công dân, Văn, Địa lý, Hóa học... của các cháu thấp làm các cháu đứng cuối sổ, đồng nghĩa với việc sau này các cháu sẽ là đồ bỏ đi, là lũ vô tích sự, sẽ trượt đại học khiến cho bố mẹ cháu xấu hổ thì đấy là một kết luận hết sức sai lầm từ một giả định thức sai lầm.
Trừ phi bố mẹ muốn sau này các cháu thành đạt theo cách nào đó, còn nếu cũng chỉ cần ở mức trung bình như cô Di Li, nghĩa là kiếm đủ tiền để đảm bảo cho con cô đi học tử tế, đủ kiến thức để con hỏi gì cô giải thích được, đủ khả năng phụng dưỡng bố mẹ già, đủ khái niệm để biết sống một cuộc đời hạnh phúc, đủ tính cách để có những người bạn nhân cách, đủ để đi ra ngoài ai hỏi gì cô trả lời trôi chảy không đến nỗi lắp bắp bị chê đần khiến bố mẹ cô phải xấu hổ... thì các cháu cứ yên tâm bảo bố mẹ mình rằng điểm số trung bình của một môn học, hay tất cả các môn học của lớp 2, lớp 6, lớp 10 hoặc lớp nào đi chăng nữa đều không phải kim chỉ nam dẫn đến một cuộc đời bỏ đi".
Bảng điểm lớp 12 tại trường THPT Việt Đức của nữ nhà văn.
Đồng thời, nữ nhà văn này cũng phản bác lại, điểm số thấp là đồng nghĩa sẽ trượt dài ở đại học cũng là một đáp số sai lệch. "Hồi học lớp 9, thầy giáo ở lớp luyện thi nào cũng đồng lòng nhất trí cô sẽ trượt oạch ở cấp 3. Hồi học lớp 12, mọi thầy giáo đều không nghĩ ra phương án nào có thể khả dĩ hơn cho cô là trượt đại học. Sau đó cô chưa thất bại ở kỳ thi nào (3 trường ĐH đều đỗ cả).
Cái điểm số thấp đồng đều ở phổ thông, đặc biệt là môn Văn (rồi đây có lẽ cô sẽ được bình bầu là người có điểm văn thấp nhất trong số tất cả các nhà văn Việt Nam) chỉ đơn giản ở chỗ một số môn cô không hề có năng khiếu như Hóa học và Vật lý (và người nào yêu cầu các cháu phải có năng khiếu ở tất cả các môn, dù là Toán học hay Giáo dục Công dân, dù là Lịch sử hay Thể dục thì cô đề xuất được gặp để phỏng vấn làm bài báo Tết), còn môn Văn, lý do chủ quan hơn là cô không thể phân tích cho hay một tác phẩm được in trong SGK trong khi cô không hề thấy nó hay gì cả (ngay cả bây giờ cô cũng không thể khen 1 người là thú vị trong khi người ta tẻ ngắt, dù là khen ảo trên FB).
Cô cũng không thể có một sổ điểm full 10 như các bạn cùng lớp vì để đạt được cái sổ điểm ấy, cô sẽ không còn thời gian để học nghệ thuật, tập thể thao, đọc sách, du lịch, thêu thùa, đan lát và kết bạn, những điều cô cho rằng cũng quan trọng không kém so với việc giải thành công một phương trình".
Xác định được nội dung cần học và kiến thức cần phải biết để phục vụ cho cuộc sống.
Theo quan điểm của nữ nhà văn này thì cô luôn xác định được những nội dung cần phải học để có thể vượt qua được kỳ thi đại học, cũng như những kiến thức cần phải biết để phục vụ cho cuộc sống, thay cho việc học thuộc lòng SGK để lên bảng trả bài vào ngày hôm sau.
Học bạ lớp 11 với học lực trung bình của nữ nhà văn.
"Vì vậy, cái mà bố mẹ các cháu cần, là xây dựng cho các cháu những ước mơ, trí tưởng tượng, sự sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, lòng đam mê hiểu biết và tính mục tiêu cao để đạt đến đích, đó mới là những chỉ số cần phải cao, thay vì chỉ đánh giá năng lực các cháu qua điểm số, các kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận và tần suất đi học thêm.
Tuy nhiên, ngay cả khi các cháu trượt đại học (mà đôi khi có thể do một sự thiếu may mắn, hoặc các cháu có khả năng cao ở những lĩnh vực khác như khéo tay làm thủ công, nấu ăn, thể thao, khiêu vũ, kinh doanh... hơn là ở chuyên ngành lựa chọn) thì đấy cũng chẳng có gì là bi kịch, đâu là cuộc đời đã tận từ đây".
Bên cạnh đó, nhà văn Di Li cũng khẳng định "Cô hoàn toàn không có ý nói rằng hễ cứ học dốt thì sẽ nên người, còn thành tích học tập cao thì cuộc đời không như ý. Mà chỉ muốn nói: Không phải cứ điểm số thấp thì con người ta sẽ bỏ đi và điểm số cao thì sẽ thành đạt. Trong các cuộc thi maraton, người ta chỉ tính điểm về đích, và bố mẹ các cháu (những người bắt các cháu học ngày học đêm đến bạc nhược cả người, đêm thì ngủ vài tiếng còn ít hơn cụ già, cuối tuần bố mẹ được xem tivi, ngồi facebook trong khi các cháu vẫn phải học như đang sắp bảo vệ luận án tiến sĩ) cần phải hiểu "đích" ở đây là gì".
Để bảo về cho quan điểm của mình, Di Li cũng nêu ra một vài dẫn chứng về những người bạn của mình trượt đại học, giờ cũng vẫn thành đạt, giàu có, xuất hiện nhiều trên tivi, có một gia đình hạnh phúc và là niềm ngưỡng mộ của nhiều người.
Học bạ lớp 10 của nhà văn Di Li được cô công khai trên trang cá nhân.
Thành đạt chưa chắc đã viên mãn, không thành đạt cũng chưa hẳn là không hạnh phúc."Bởi những người thành đạt nhất mà chúng ta đã từng biết là các ngôi sao sống ở Beverly Hills như Lee Thompson Young, Robin Williams, Kurt Cobain, Heath Ledger và cả vài chục sao Hàn nữa là Lee Eun Joo, Choi Jin Sil, Park Yong Ha, Lee Hye Ryeon, Ahn Jae Hwan... , họ đã tự kết thúc cuộc đời mình khi đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp và tuổi trẻ (thậm chí ngay khi vừa nhận giải Oscar), khi đang tận hưởng sự viên mãn nhất của danh tiếng, tiền bạc, sắc đẹp, họ sống trong những ngôi nhà mà dùng từ lâu đài thì chính xác hơn, và vài viên kim cương to bản chẳng là vấn đề trong một cuộc mua sắm cuối tuần. Có cả triệu người ngưỡng mộ họ, thèm muốn được như họ, thậm chí đố kỵ với họ. Vậy lý do gì họ tự tử? Chỉ đơn giản thôi, họ bế tắc, họ không có niềm vui, họ thấy cái chết có thể còn vui hơn sống".
Nữ nhà văn này khẳng định, điểm số chưa phải là tất cả, không thành đạt cũng chưa hẳn là không hạnh phúc. "Điểm số thấp chưa chắc đã trượt đại học, trượt đại học chưa chắc đã không thành đạt, và không thành đạt cũng chưa chắc đã là không hạnh phúc. Và người làm cha mẹ, liệu có phải chỉ cần con cái được hạnh phúc hay còn muốn điều gì cao hơn hạnh phúc nữa? Hạnh phúc và niềm vui luôn được tạo ra bởi những ước mơ, đam mê cháy bỏng và con đường đi tới ước mơ đó.
Hạnh phúc và niềm vui là tìm thấy cuộc sống phù hợp với mình và được chia sẻ mỗi ngày. Các cháu hãy cứ trả lời thật thà với cha mẹ nếu áp lực điểm số, học thêm túi bụi hoàn toàn không phải ước mơ của các cháu".
Đồng thời nhà văn Di Li cũng cho biết cô tự hào của cô về con gái mình lại hoàn toàn không phải là điểm số, mà vì em ấy là người nhân hậu, chưa bao giờ biết nói dối, rất hài hước và luôn có khả năng bẻ gãy mọi luận điểm của mẹ trong hầu hết các cuộc tranh luận.
Ở cuối bài chia sẻ, nhà văn Di Li không quên nhấn mạnh, "Là một người làm công tác giáo dục 18 năm, 16 năm ngồi trên ghế nhà trường, và làm luận văn thạc sĩ cũng ngành Quản lý giáo dục, nhưng chưa một lần nào cô dùng từ "học bài đi con" với con gái, chủ yếu là "đi ngủ đi con, muộn rồi". Và con gái cô đang sắp thi cấp 3, nhưng từ tiểu học đến giờ chưa một ngày nào đi học thêm, trừ học thêm múa bụng, piano, bơi, dancesport, mỹ thuật".
Nhiều người đồng tình với quan điểm của nữ nhà văn: Để con trẻ thỏa sức phát triển theo ý thích nhưng vẫn trong khuôn khổ.Ngay sau khi câu chuyện của nhà văn Di Li được chia sẻ lên trang cá nhân đã nhận được nhiều ý kiến bình luận từ cộng đồng mạng. Phần lớn mọi người đều bày tỏ ý kiến đồng tình với nữ nhà văn và cho rằng đây được xem là tư duy của giáo dục hiện đại.
Tài khoản H.Đ bày tỏ quan điểm, "Em đồng ý với chị về chuyện điểm số không quyết định được bất kỳ điều gì trong tương lai. Một anh học giỏi xuất sắc chưa chắc có tương lai sáng ngời và một anh học tệ lại có tương lai mờ mịt vì là sự khập khiễng.
Suốt trong từng năm qua em có nhận định thế này, đa phần các bạn học tệ hồi đó ( cấp I II III) giờ có vẻ khá hơn, ý em là họ dễ thành công hơn. Vì họ không sợ điểm số, rằng, học không thể khá hơn, gia đình lại không bắt ép nên họ cứ thế mà học "tàng tàng". Nhưng họ lại có tiềm ẩn chứa đựng sự đột phá, làm mà không sợ bị ai nói gì hết, nên ra đời họ dễ trưởng thành và ổn hơn.
Còn các bạn học giỏi, vượt trội cùng khóa với em, các bạn ấy dễ bị "rào" bởi ánh mắt, kỳ vọng của những người xung quanh nên hầu như họ cũng không "dám bước ra khỏi" vùng an toàn. Làm gì cũng phải cân nhắc nên hầu như không được mạnh mẽ cho lắm trong việc quyết định, nắm lấy cơ hội, liều mình như các bạn học trung bình, yếu kia".
Tài khoản T.N.T. bình luận, "Quan điểm giáo dục con cái khá hay, Học tập để tích luỹ kiến thức tuy nhiên không nên nhồi nhét quá nhiều. Các cháu còn đang độ tuổi vui chơi, nên hay để chúng thoả sức phát triển theo ý thích - nhưng cũng cần trong khuôn khổ và tầm kiểm soát của bố mẹ. Mình cũng không thích ép con cái học hành. Phải tạo động lực, niềm yêu thích và đam mê rồi con sẽ thành công. Học hành là để thành người chứ không phải là con vẹt".