Lấy bối cảnh vùng đất hư cấu Đại Điền ở Nam bộ giữa thế kỷ 20, Mẹ chồng là câu chuyện về cuộc đời của cô Ba Trân (Thanh Hằng). Từ khi về làm dâu nhà họ Huỳnh, Ba Trân phải chịu đựng sự hà khắc của mẹ chồng – bà Hai Lịnh (Diễm My), nhất là sau khi cô bị sẩy thai. Hơn hai năm không sinh được con nối dõi, cô buộc phải chứng kiến chồng mình cưới thêm vợ hai là mợ Bảy Loan (Ngọc Quyên).
Câu chuyện trong phim Mẹ chồng của đạo diễn Lý Minh Thắng lấy bối cảnh ngôi làng Đại Điền giữa thế kỷ 20, xoay quanh cuộc sống nhiều đời của gia đình hội đồng Lịnh.
Bước ngoặt xảy đến khi Hai Nhất đột ngột qua đời, bà Hai Lịnh lên cơn đột quỵ và bị liệt toàn thân, Ba Trân nghiễm nhiên trở thành mợ cả quyền uy nhất gia tộc. Năm tháng trôi qua, Hai Phước (Lâm Vinh Hải) – cậu con trai khờ khạo của Ba Trân, đến tuổi lấy vợ. Số phận lặp lại khi người vợ đầu của Hai Phước là Tư Thì (Lan Khuê) không thể có con, khiến Ba Trân phải rước về nàng dâu thứ Tuyết Mai (Midu). Từng là tiểu thư Sài Gòn có ăn học, Tuyết Mai bướng bỉnh bất tuân nhiều luật lệ cổ hủ của gia đình nhà chồng. Từ đây, nền nếp của nhà họ Huỳnh bị xáo trộn.
Lựa chọn một địa danh hư cấu làm bối cảnh cho câu chuyện, Mẹ chồng đã thoả sức sáng tạo để vừa tạo dựng được bầu không khí miền Nam thế kỷ trước. Bộ phim chia làm năm hồi chính với sự lặp lại của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân, mỗi mùa gắn liền với diễn biến thịnh suy của những người phụ nữ Huỳnh gia. Kết cấu đó thể hiện chủ đề của tác phẩm – một vòng tròn bi kịch được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác không hồi kết.
Thoạt nghe, Mẹ chồng có vẻ có chất liệu đủ dày để bồi đắp nên một câu chuyện ám ảnh. Tiếc thay, mọi thứ cứ như được bày ra sẵn đó nhưng chỉ mới được chạm ở bề mặt. Có cảm giác, bộ phim như một bức tranh mới có đủ nét phác hoạ mà chưa đi vào chi tiết.
Điểm yếu có thể thấy rõ của phim là việc biên kịch chưa biết cách quán xuyến dàn nhân vật khá đông đảo của mình, để cuối cùng tạo ra một kịch bản nông cạn, không bật lên được vai trò của mỗi nhân vật trong tổng thể câu chuyện, trừ nhân vật chính Ba Trân xuất hiện xuyên suốt. Một điểm khó nữa là các nhân vật có quan hệ chồng chéo khiến kịch bản phức tạp hơn hẳn so với Sài Gòn, anh yêu em – một phim có kết cấu đa tuyến với nhiều cặp nhân vật nhưng họ đều có câu chuyện riêng. Chính thất bại trong việc xây dựng một kịch bản chặt chẽ đã khiến các phân cảnh trong phim bị rời rạc.
Một nhược điểm khách quan khác là thời lượng phim quá ngắn. Gói ghém trong 90 phút, phim chưa đủ thời gian để khắc hoạ nội tâm cho từng nhân vật và xây dựng tình tiết cho những âm mưu thâm hiểm. Các nhân vật nữ: kẻ toan tính, kẻ cam chịu, kẻ rình mò, kẻ ngu ngơ, tất cả đều được thể hiện một chiều, đôi khi có sự thay đổi tâm tính đột ngột khiến khán giả khó hiểu. Vai trò của các nhân vật nam cũng bị giản lược đáng kể. Hai Đìa – người tình của Ba Trân, đáng lẽ là nhân vật giữ vai trò trọng yếu trong mọi đường đi nước bước của mợ cả, nhưng chỉ được xuất hiện trong vài phân cảnh tình cảm ướt át. Đến những chi tiết như bùa phép rắn độc, trà ma thảo, hộp gia bảo được nhắc đến nhưng không làm rõ vai trò cũng để lại nhiều lỗ hổng cho cốt truyện. Với một phim có yếu tố ly kỳ, ma mị như Mẹ chồng, cuộc tranh quyền đoạt vị của các nàng dâu phải có tính thuyết phục, bằng không, ai là “trùm cuối” cũng không gây được bất ngờ. Và đáng tiếc, bộ phim đã không thể thuyết phục được khán giả với những tình tiết còn sơ sài.
Nhưng Mẹ chồng đã mang đến cho khán giả màn “lột xác” thành công của Thanh Hằng. Trong vai trò là trung tâm câu chuyện, nữ diễn viên đã khắc hoạ đầy đủ chân dung cô Ba Trân độc ác nhưng cũng đáng cảm thông. Thanh Hằng cũng là điểm sáng đáng kể nhất cứu vớt tác phẩm chưa đủ độ chín này.