Vẫn là hung… xa
Sau lễ ra mắt đúng hai ngày, ngày 3.12, có mặt trên hàng loạt tuyến xe buýt ở TP.HCM, chúng tôi ghi nhận hàng loạt hình ảnh bệ rạc của xe buýt thành phố. Xe chạy bạt mạng, tài xế hút thuốc, tiếp viên coi thường hành khách. Vừa bước lên chiếc xe buýt 56, xuất phát từ bến xe Chợ Lớn, quận 6 về ĐH Giao thông vận tải, quận 9, thấy ngay đủ loại vật dụng sinh hoạt của nhà xe bày đầy trên sàn và treo lủng lẳng sau ghế. Xe vừa ra khỏi bến, tài xế ngang nhiên hút thuốc. “Chuyện này báo chí nói hoài nhưng có thấy nhà xe nào bị xử lý đâu. Hình như họ coi hành khách đi xe buýt là kẻ ít tiền nên xem thường”, Hồng, nữ sinh viên ĐH Giao thông vận tải, nói.
Xe buýt đưa đón khách từ sân bay về TP.HCM được kể là loại xe hành khách hài lòng nhất.
Xe đón khách mỗi lúc một đông và nhiều thời điểm hành khách đứng chật kín. Mỗi khi tài xế thắng gấp hoặc rồ ga tăng tốc, tất cả đều chao đảo. Nhiều người lên xuống trạm dừng, nếu không nhanh chân và không bám vào các thanh giữ phía trên, rất dễ trượt ngã khi chỉ vài giây là chiếc xe đã chuyển bánh. Suốt lộ trình di chuyển qua nhiều tuyến đường, dù phía trước các phương tiện bị ùn ứ, nhưng tài xế vẫn liên tục bóp còi, kèn cựa từng chút không gian với xe máy để lưu thông.
Chúng tôi tiếp tục đón chiếc xe buýt 141 từ trạm dừng trên đường Lê Văn Việt, đoạn gần ngã tư Thủ Đức, tới đường Nguyễn Duy Trinh, Q.9. Ngồi trong xe mà nghe tiếng khua rầm rầm của các cửa kính và tiếng kêu cót két mỗi khi tài xế thắng xe. Khí thải mù mịt cả đường phố làm đen cả đít xe đến nỗi không còn nhìn rõ được biển số xe. Xe chạy ầm ầm, bóp còi inh ỏi dù các tuyến đường Lã Xuân Oai, Nguyễn Duy Trinh khá hẹp, trong khi xe tải, xe container cũng dày đặc.
Cam kết khó giữ
Ba tuyến xe buýt mẫu gồm tuyến xe 03: Bến Thành – Thạnh Lộc, tuyến 33: bến xe An Sương – Suối Tiên – đại học Quốc gia và tuyến 18: Bến Thành – chợ Hiệp Thành. Cả ba tuyến xe đều thuộc hợp tác xã vận tải 19.5 khai thác. Việc lựa chọn những tuyến xe này, theo ông Trần Chí Trung, giám đốc trung tâm Vận tải hành khách công cộng, là do đã có cơ sở về phương tiện, hệ thống bến bãi và đặc biệt có lượng hành khách khá cao. Có sáu tiêu chí được cam kết sẽ thực hiện trên những tuyến xe buýt này, trong đó chất lượng phương tiện, cung cách phục vụ, thời gian di chuyển cùng việc đảm bảo an ninh trật tự – vốn tồn tại nhiều bất cập.
Trên xe buýt tuyến 33, một trong ba tuyến vừa đưa vào thí điểm – đúng là phương tiện có sạch và đẹp hơn các tuyến trên. Nhưng thái độ phục vụ của nhân viên cũng như cách lái xe của tài xế không đúng những gì ngành xe buýt quy định. Nhân viên thường xuyên phớt lờ các câu hỏi của hành khách. Xe ra vào trạm cũng ẩu khôn tả. Tài xế vẫn vô tư bóp kèn, lạng ra, lách vào khiến hành khách trên xe liên tục chao đảo, dù bên dưới đường đông nghẹt xe. “Các tiêu chí đưa ra chỉ là mơ ước thôi chú em ơi. Cái thành phố giờ hơn chục triệu dân, kẹt xe triền miên bất kể giờ giấc vào các ngày trong tuần, thì làm sao có chuyện chạy “chậm như rùa để đảm bảo tiêu chí mà về đích kịp như yêu cầu”, một tài xế xe buýt có thâm niên hơn chục năm chia sẻ. Vì sao?
Trung tâm Vận tải hành khách công cộng đã lắp khoảng 4.000 camera quản lý 3.000 xe buýt, nhưng thái độ của tài xế và nhân viên xe buýt vẫn cứ “ngông nghênh”, bởi chưa có vụ việc nào bị xử lý thông qua camera. Tài xế và nhân viên xe buýt bị kỷ luật vì thái độ này nọ với khách chỉ được thực thi khi bị báo chí phanh phui nhờ những clip hành khách tự quay thôi. “Làm gì có chuyện trung tâm xử tài xế và nhân viên xe buýt thông qua camera. Vậy hỏi chú sao mà đòi áp chế tài này, nọ để xử. Áp vô thì lấy đâu tài xế mà chạy xe buýt…”, một tài xế xe buýt chia sẻ.
Tuyến 03 có 26 xe 47 chỗ; tuyến 18 có 24 xe 60 chỗ ngồi và đứng và tuyến 33 có 50 xe 68 chỗ ngồi và đứng. Số chỗ của ba tuyến xe buýt mẫu cho thấy dự án dễ bị bể. Thành phố kẹt xe triền miên, xe buýt lại to đùng quá bất lợi. “Theo tôi, nên dẹp hẳn loại xe buýt trên 40 chỗ như đã từng bỏ ở thập niên 90 của thế kỷ trước, vì nó không phù hợp với hạ tầng giao thông vốn nhỏ, hẹp và trên hết là không phù hợp với một thành phố đáng ra phải văn minh nhất cả nước. Chuyển sang sử dụng xe buýt loại B40 (40 chỗ) trở xuống, may ra mới thí điểm thành công xe buýt mẫu”, KTS Nguyễn Nam Việt khẳng định.
Cũng theo KTS Nam Việt, ngoài ra, để loại hình xe buýt thực sự “hợp lòng dân”, đơn vị quản lý xe buýt phải thường xuyên trau dồi đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ tài xế và nhân viên xe buýt. “Nếu tài xế và tiếp viên xe buýt vẫn suy nghĩ mình làm nghề này là tạm bợ, quả đúng là xe buýt thành phố có mơ cũng không thấy ngày văn minh, lịch sự”, ông Việt nói.
Tính tới thời điểm hiện tại, TP.HCM đã thay mới được hơn 1.100 xe buýt trong đề án thay mới 1.680 xe, nhưng hình ảnh xe buýt và độ hài lòng của hành khách đi xe vẫn không cải thiện là bao.