Dân Việt

Đồng thuận - “chìa khóa” về đích nông thôn mới ở Tam Dương

Việt Tùng 09/12/2017 14:35 GMT+7
Là huyện nông nghiệp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, song với chủ trương lấy dân làm gốc, dân chủ, đồng thuận cao đã giúp huyện Tam Dương gặt hái được nhiều thành công trong xây dựng nông thôn mới (NTM)…

Phát huy nội lực

Xác định rõ những khó khăn đó, nên ngay khi bắt tay vào xây dựng nông NTM, Tam Dương đã chủ động xây dựng kế hoạch theo lộ trình. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, ngay sau khi thành lập, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp với lãnh đạo các xã để rà soát, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí, trên cơ sở đó phân rõ nguồn lực, trách nhiệm của từng cấp; chỉ đạo các phòng, ban ngành, đoàn thể và UBND các xã vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền gắn với dân vận khéo.

img

Hàng tuần tại các xã ở huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) đều có đội thu gom rác đến tận cổng các hộ để thu gom.  Ảnh: V.T

Cùng với đó, tập trung ưu tiên đầu tư các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM; huy động tối đa nguồn lực đóng góp của nhân dân, các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của và công sức xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng điển hình như: Nhân dân thôn Tiên Du (xã Thanh Vân) hiến 15.000m2 đất nông nghiệp, 275 ngày công làm đường giao thông nội đồng. Gia đình ông Nguyễn Văn Thu thôn Vỏ (xã Hoàng Lâu) đóng góp 152 triệu đồng, vận động nhân dân đóng góp 472 triệu đồng làm đường bê tông trong thôn. 

Với những cách làm đó, đến nay, toàn huyện có 9/12 xã đạt chuẩn NTM; 100% xã của huyện đã được quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch NTM; 100% đường giao thông liên xã, liên thôn, giao thông nội đồng cơ bản được cứng hóa; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo bình quân còn 4,9%...

Kinh nghiệm quý từ các xã về đích

Trong quý trình triển khai xây dựng NTM các xã đã rút ra rất nhiều bài học quý báu, là cuốn “cẩm nang” quý để các xã khác học tập. Theo đó, kinh nghiệm của xã Kim Long trong xây dựng NTM đó là công tác chỉ đạo phải sâu sát, quyết liệt, đảm bảo tiến độ thời gian đến từng tiêu chí; chủ động xây dựng các cơ chế chính sách, nguồn lực; phát huy vai trò hạt nhân tiên phong, gương mẫu “Nói đi đôi với làm”; “Đảng viên đi trước, dân làng theo sau”; huy động sức dân với phương châm “Lấy sức dân để lo cho dân”. Từ đó, khơi dậy được nhiệt tình và tâm huyết của quảng đại quần chúng nhân dân…

img

Cách đây vài năm, nhà văn hóa thôn 2, xã Hoàng Hoa vẫn là nhà tạm, thì nay đã được xây mới khang trang nhờ sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân trên địa bàn. Được biết, ngay khi xã có chủ chương xây dựng nhà văn hóa, nhân dân trong thôn đồng tình, ủng hộ. Không chỉ đóng góp kinh phí, nhiều hộ dân còn tình nguyện tham gia ngày công lao động, giám sát xây dựng công trình…

Ông Vũ Đại Phong – Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa cho biết, đến cuối năm 2016, Hoàng Hoa đã đạt 19/19 tiêu chí NTM. Đặc biệt, xã là một trong số ít các địa phương trên toàn tỉnh không có nợ đọng xây dựng cơ bản khi đạt chuẩn NTM.

Theo ông Phong, để có được kết quả trên, ngay từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã đã xây dựng lộ trình cụ thể, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư thực hiện một số tiêu chí cần nguồn vốn lớn như: Giao thông nông thôn, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa… Các tiêu chí được thực hiện trong giai đoạn dài và có sự phân bổ nguồn vốn hợp lý nên khi hoàn thành đều không bị nợ đọng. Bên cạnh đó, xã có sự linh hoạt, sáng tạo, vận dụng nhiều giải pháp nhằm huy động nguồn lực cho xây dựng NTM.