Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nói vũ khí hạt nhân là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu của họ.
Các cơ quan giám sát an toàn bay hiện đang xem xét những phương án đối phó với tên lửa của Triều Tiên, khi mà tên lửa nước này đang xâm phạm các đường bay thương mại.
Các chuyến bay quốc tế hiện không sử dụng không phận Triều Tiên. Mọi biện pháp trừng phạt của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đều có khả năng tập trung hơn vào sự an toàn của các máy bay hoạt động ở khu vực lân cận Triều Tiên cũng như các chuyến bay thương mại ra, vào Triều Tiên. Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) Alexandre de Juniac nói rằng: "ICAO có thể sẽ tuyên bố vùng cấm bay. Chúng tôi đang phối hợp với ICAO về cách bảo vệ máy bay qua lại khu vực này".
Người phát ngôn IATA cho biết, Triều Tiên có nghĩa vụ phải thông báo trước về các vụ thử tên lửa, điều mà trước nay Bình Nhưỡng không làm. Khi không có những thông báo này, các hãng hàng không phải tự tiến hành đánh giá nguy cơ để nhận biết khoảng cách bay an toàn với Triều Tiên.
Điều nguy hiểm là từ năm 2014, Bình Nhưỡng không thông báo trước các vụ thử nghiệm. Ngày 28.7.2017, 323 hành khách trên chuyến bay Air France AF 293 thoát hiểm nhờ may mắn. Một tên lửa liên lục địa của Bình Nhưỡng bay lên, chỉ cách chiếc máy bay của Air France có 100 km. Nếu chuyến bay AF 293 khởi hành từ Tokyo đi Paris bị trễ 10 phút thì không biết chuyện gì đã xảy ra. Sau vụ này, Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế, cơ quan đặc trách an toàn hàng không trực thuộc Liên Hợp Quốc, lên án các vụ phóng tên lửa không báo trước và đã kêu gọi Triều Tiên tôn trọng các luật định quốc tế để tránh chuyện không may.
Trước những tình huống và căng thẳng hiện nay ở Triều Tiên, giới quan sát đặt ra câu hỏi, liệu Tổng thống Mỹ Donad Trump có thể tìm cách bao vây hải quân hay áp đặt vùng cấm bay chống Triều Tiên để đối phó với các vụ thử tên lửa của Triều Tiên hay không?
Vấn đề này, thực ra trước đây giới chuyên gia đã đề cập đến, bởi theo đánh giá, việc Triều Tiên phát triển ICBM thành công được phía Mỹ coi là “giới hạn đỏ”. Trước những lo ngại về xung đột quân sự xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, giới chuyên gia cho rằng, Tổng thống Trump sẽ kiềm chế không quyết định tấn công quân sự trực tiếp vào Triều Tiên do lo ngại về các cuộc tấn công trả đũa ồ ạt.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia vẫn còn có cách khác để gây sức ép với Triều Tiên như các phương án quân sự, bao vây hải quân, và việc áp đặt vùng cấm bay cũng có thể làm gia tăng căng thẳng quân sự ở khu vực Đông Bắc Á. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây, Nga và Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào nếu Mỹ có quyết định như vậy?
Nếu các bên liên quan không kìm chế, bán đảo Triều Tiên sẽ khó tránh khỏi những xung đột ảnh hưởng đến hoà bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.