Dân Việt

Ông Đinh La Thăng có bị bãi nhiệm tư cách ĐBQH ở kỳ họp tới?

Lương Kết 09/12/2017 10:09 GMT+7
Hôm qua, 8.12, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh. Vậy đến kỳ họp Quốc hội tới (kỳ họp thứ 5 tháng 5.2018), liệu ông Thăng và ông Khánh có bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH)?

img

Ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. (Ảnh: Bộ Công an)

Sáng nay, 9.12, trao đổi với Dân Việt, một vị lãnh đạo là Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Việc Ủy viên Thường vụ Quốc hội có đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu với ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh hay không còn phụ thuộc kết quả của vụ án đang được cơ quan điều tra thực hiện các giai đoạn tố tụng.

“Trường hợp đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội. Nếu người đó bị truy tố thì sẽ bị bãi nhiệm đại biểu. Cần phải căn cứ vào kết quả điều tra vụ án, giả sử người đó không có tội thì phải khôi phục tư cách đại biểu hoặc họ chưa tới mức bị bãi nhiệm có thể cho miễn nhiệm. Giữa miễn nhiệm và bãi nhiệm là hai mức độ khác nhau”, vị lãnh đạo này cho biết.

Vị này cũng nhấn mạnh thêm, qua vụ việc của ông Đinh La Thăng, có thể thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước rất mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Chỉ trong một ngày, hầu hết các cơ quan, tổ chức quan trọng của Đảng (như Bộ Chính trị), Quốc hội (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an cùng vào cuộc, ra các quyết định ở các cấp thẩm quyền khác nhau để tiến hành khởi động quy trình tố tụng đối với ông Đinh La Thăng, một vị cựu lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ.

img

Ông Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Chủ tịch HĐTV của PVN cũng vừa bị khởi tố, bắt giam. (Ẩnh: I.T)

Miễn nhiệm có thể coi là hình thức cho thôi nhiệm vụ ở mức độ nhẹ hơn so với bãi nhiệm. Người bị miễn nhiệm có thể do không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm, nhưng cũng có thể đơn giản chi do yêu cầu của nhiệm vụ hoặc theo đề nghị của cán bộ, công chức vì lý do sức khỏe hoặc lý do khác. Còn người bị bãi nhiệm là người bị buộc thôi giữ chức vụ do bầu cử trước khi hết nhiệm kỳ do vi phạm pháp luật, vi phạm về phẩm chất, đạo đức, không còn xứng đáng giữ chức vụ được giao ở cơ quan nhà nước.

Hôm qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định Khởi tố bị can về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, ông Đinh La Thăng ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội tại TP.HCM. Sau khi thôi chức Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Thăng được điều động làm Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư và ông tham gia sinh hoạt tại Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa. Còn ông Nguyễn Quốc Khánh ra ứng cử đại biểu Quốc hội tại tỉnh Quảng Nam và cũng trúng cử.

Tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, có 496 người trúng cử đại biểu Quốc hội (thiếu 4 đại biểu 4 ở 4 tỉnh Sóc Trăng, Sơn la, Lâm Đồng, Đồng Nai do các tỉnh này bầu thiếu một đại biểu so với con số được phân bổ).

Trước khi Quốc hội khóa XIV bước vào kỳ họp thứ nhất, Hội đồng bầu cử quốc gia đã thông qua Nghị quyết không công nhận tư cách đại biểu của Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (ngày 15.7.2016).

Hai ngày sau vụ việc của Trịnh Xuân Thanh, Hội đồng bầu cử quốc gia đã có phiên họp khẩn. Tại đây, các thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia đã thông qua Nghị quyết không công nhận tư cách đại biểu của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường vì bà này không đủ tiêu chuẩn là đại biểu Quốc hội, đồng thời có đơn xin rút.

Tại kỳ họp thứ hai (tháng 11.2016), đại biểu Thích Chơn Thiện (SN 1942 –thuộc đoàn đại biểu Quốc hội Thừa - Thiên Huế) - người cao tuổi nhất của Quốc hội khóa XIV - đã qua đời do tuổi cao sức yếu.

Đến tháng 12.2016, đại biểu Ngô Văn Minh (sinh năm 1959) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội qua đời do bệnh hiểm nghèo.

Đến tháng 5.2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết cho thôi đại biểu với ông Võ Kim Cự, như vậy Quốc hội khóa XIV còn 491 đại biểu.

Xem thêm: Khống chế nhân viên quán cà phê, cướp gần 100 triệu đồng