Dân Việt

Lãnh đạo VPF mới là “ngôi sao” lương bổng ở V.League

Ngọc Hà 09/12/2017 11:10 GMT+7
Công Vinh khi chia tay SLNA sau mùa giải năm 2014 để về B.Bình Dương, mức lương được nhận cũng chỉ là 50 triệu đồng/tháng...

Đây là số tiền lương “đỉnh” trong sự nghiệp thi đấu của tiền đạo gốc Nghệ. Trước đó khi khoác áo Hà Nội T&T (nay là CLB Hà Nội) và CLB bóng đá Hà Nội, tiền lương Công Vinh được nhận cũng chưa quá con số 50 triệu đồng/tháng.

Dĩ nhiên, ở đây không kể tới chi phí “lót tay” mỗi lần đổi chủ. Như năm 2007 khi chia tay SLNA lần đầu tiên để đầu quân cho đội bóng của bầu Hiển, số tiền “lót tay” Công Vinh bỏ túi là 7 tỷ đồng cho bản hợp đồng có thời hạn 3 năm. Tính ra thì mỗi năm anh cũng có thêm hơn 2 tỷ đồng, con số “khủng” giai đoạn này. Ở CLB Hà Nội hay Bình Dương, mỗi trận thắng đội đều được nhận thêm vài trăm triệu đồng, chia ra từng thành viên cũng rất khá.

img

Nguyên chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng.

Mặc dù vậy, từ lâu giới bóng đá đã phải thừa nhận, “lót tay” là một quái thể chỉ có ở V.League, xuất phát từ cách làm không lành mạnh của các CLB. Đến lúc này, hầu hết các đội bóng đang phải nhận lãnh hậu quả từ chính việc làm đó.

Lương của Công Phượng thậm chí thấp hơn nhiều so với đàn anh. Tiền đạo HAGL có mức lương không quá 15 triệu đồng/tháng ở đội bóng phố núi. Do kinh tế khó khăn của tập đoàn, HAGL hiện nay đã không còn chi tiêu được rủng rỉnh như trước. Thêm vào đó, bầu Đức cũng không có cơ chế thưởng cho đội bóng theo kết quả từng trận. Thu nhập “đám trẻ” của ông Đức vì vậy không hề cao so với mặt bằng chung ở V.League.

Trong khi đó thì lương và chế độ khác của Ban giám đốc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) gồm 2 người, thường trực trên dưới 2 tỷ đồng/năm. Cụ thể như mùa giải 2015 là hơn 2,1 tỷ đồng. Tới năm 2016 con số này giảm một chút xuống 1,8 tỷ đồng và qua năm 2017 thì vẫn được “duy trì ổn định” như trên. Tính ra mức lương của TGĐ VPF không hề kém con số 60 triệu đồng/tháng. Đấy là chưa kể chế độ làm việc của các “quan” đều rất cao: khi đi công tác đều ở khách sạn xịn, bay hạng thương gia…

img

Trưởng giải V.League Nguyễn Minh Ngọc.

Dĩ nhiên, so sánh ở đây là khập khiễng bởi tính chất công việc và vị trí cũng khác nhau. Ban TGĐ VPF, trong đó có Trưởng giải V.League Nguyễn Minh Ngọc cũng phải nhận lãnh trách nhiệm rất nặng nề trong việc tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên có một mẫu số chung để đánh giá, đó là hiệu quả công việc. Công Vinh hay bất kỳ cầu thủ ở đội bóng nào đều chỉ được nhận thưởng theo kết quả của đội. Đội đá tốt thì có thưởng, đá kém thì…nhịn. Nhưng lãnh đạo VPF thì ắt lương lậu vẫn được nhận đều đặn. Trong khi đó, chất lượng V.League 3 năm qua không có nhiều biến chuyển. Mùa giải 2017, V.League thậm chí sụt giảm khán giả, chất lượng chuyên môn không hề tăng lên. Đến độ, sau khi Toyota bày tỏ ý định ngừng tài trợ sau khi kết thúc chu trình 3 năm, nhiệm kỳ mới của VPF hiện đang đôn đáo xoay tiền. Số “vốn” nhiệm kỳ cũ để lại là quỹ tiền bị âm, với số thu chỉ đạt gần 60% so với kế hoạch đề ra, tương đương 112 tỷ đồng.