Dân Việt

ĐBSCL: Dân vẫn bị nước "bao vây"

28/10/2011 16:56 GMT+7
Dân Việt - Tại TP.Cần Thơ, Long Xuyên (An Giang), Vĩnh Long, Cao Lãnh (Đồng Tháp)..., do nước lũ từ thượng nguồn đổ về và triều cường trên sông Hậu liên tục dâng cao nên hàng loạt các tuyến đường cũng bị nhấn chìm.

Sáng 28.10, TP.Long Xuyên (tỉnh An Giang) đã rơi vào tình trạng ngập sâu nhất trong mùa lũ năm nay. Hầu hết các tuyến đường chính trong khu vực nội ô đều bị ngập từ 0,2 - 0,4m, cá biệt có nơi ngập từ 0,5 - 0,6m. Nhiều khu chợ lớn như chợ Long Xuyên, Bình Khánh, Mỹ Long, Mỹ Quý… bị nước “bao vây”, ảnh hưởng đến hoạt động mua bán của người dân.

Các cửa ngõ chính ra vào nội ô TP như từ phà An Hòa, phà Vàm Cống (hướng Cần Thơ - An Giang), thị trấn Phú Hòa (huyện Thoại Sơn)… giao thông bị rối loạn do nước ngập đường, nhiều phương tiện bị chết máy.

 img
Người dân Long Xuyên lội nước đi khám bệnh

Tại khu vực cổng chính của Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt, Trung tâm Y tế dự phòng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang… trên đoạn đường Nguyễn Du, bị ngập sâu hơn nửa bánh xe. Nhiều người dân buộc phải gửi xe ở chỗ khác rồi… lội nước đến khám bệnh. Còn đoạn đường vào Bệnh viện Đa khoa TP.Long Xuyên càng ngập sâu hơn, nước tràn cả vào khuôn viên bệnh viện khiến công tác khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, đường vào Trường Đại học An Giang, Trung học Y tế An Giang và nhiều trường học trên địa bàn TP.Long Xuyên cũng bị ngập từ 0,1 - 0,4m. Nhà trường phải dùng bao cát lót từ cổng vào phòng học để sinh viên, học sinh có thể vào lớp.

Ở TP.Cần Thơ, tại trung tâm các quận huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Phong Điền,.. tình trạng ngập nước cũng diễn ra tương tự, gây khó khăn rất lớn cho các phương tiện tham gia giao thông và việc kinh doanh mua bán của người dân.

Ngập nước đã gây kẹt xe hàng giờ đồng hồ tại một số tuyến đường - vốn là điều hiếm thấy ở Cần Thơ, như khu vực giao lộ 3.2 – QL 91B, khu vực Trà Nóc (Q.Bình Thủy)… Nhiều khu dân cư, trường học trong các con hẻm ở nội ô Quận Ninh Kiều liên tục bị nước tràn vào rất khó khăn cho việc đi lại, đưa rước học sinh. Vào các giờ cao điểm, tình trạng ùn tắc giao thông liên tục xảy ra. Do đó, một số trường ở ĐBSCL còn treo bảng cho học sinh tạm nghỉ 2-3 ngày…

Nước ngập sâu 2 bên đường làm việc kinh doanh mua bán của hàng nghìn hộ dân cũng gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các cở sở kinh doanh đều thất thu từ 16 giờ chiều trở về tối.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP.Cần Thơ đã có công điện khẩn gửi các quận, huyện, thông báo tình hình triều cường. Đây là đợt triều cường rất lớn khiến nhiều nơi ngập sâu hơn 60cm. Dự kiến, trong ngày 29.10, triều cường trên sông Hậu tiếp tục lên cao, nhiều tuyến đường ở TP.Cần Thơ… sẽ tiếp tục bị ngập trong nước.

Ông Võ Thạnh - Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn An Giang, cho biết mực nước tại trạm Long Xuyên ngày 28.10 đạt 2,82m - vượt đỉnh lũ đã xác lập vào cuối tháng 9 vừa qua và cả đỉnh lũ lịch sử năm 2000. Do ảnh hưởng của triều cường và lũ thượng nguồn đổ về, khu vực Long Xuyên sẽ còn ngập kéo dài đến đầu tháng 11.

Trong khi đó, lũ thượng nguồn sông Cửu Long đang chững lại. Ngày 28.10, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu đứng ở mức 4,5m (ngang mức báo động 3), tại Châu Đốc là 4,1m (cao hơn 0,1m so với báo động 3).