Dân Việt

Hoa Kỳ đánh thuế hơn 265%: “Đại gia” thép nào bị ảnh hưởng?

Phi Long 10/12/2017 09:34 GMT+7
Trước thông tin Hoa kỳ có đánh thuế cao nhất hơn 265% đối với thép của Việt Nam, nhiều nhà đầu tư đang rất băn khoăn các “đại gia” ngành thép đang niêm yết trên thị trường chứng khoán có bị ảnh hưởng lợi nhuận trong năm 2018 hay không?

img

Hoa kỳ đánh thuế hơn 265% : “Đại gia” ngành thép nào bị ảnh hưởng? (Ảnh: IT)

Nhập hơn 5,5 triệu tấn thép từ Trung Quốc

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ năm 2012 tới nửa đầu năm 2016, Tập đoàn Hoa Sen và Công ty TNHH Kinh doanh Nippon Steel & Sumikin Việt Nam là hai doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm CORE sang Hoa Mỹ nhiều nhất, với trị giá đạt lần lượt khoảng 73 triệu và 55 triệu USD. Còn doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu mặt hàng CR sang Mỹ nhiều nhất, trị giá khoảng 166 triệu USD là Công ty TNHH Posco Việt Nam. Như vậy, với quyết định của Bộ Thương mại Mỹ, những doanh nghiệp kể trên có thể nói là chịu thiệt hại nhiều nhất. Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu CORE và CR từ Việt Nam sang Hoa Kỳ thời gian quan đạt lần lượt là hơn 40 triệu USD và hơn 57 triệu USD trong năm 2015 và đã tăng lên hơn 183 triệu USD đối với mỗi mặt hàng trong nửa đầu năm 2016.

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy,  9 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 5,5 triệu tấn thép từ Trung Quốc, trị giá 3,17 tỉ USD. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là thép hợp kim cán phẳng (mã HS 7225 3090, 7225 4090), thép mạ hoặc tráng kẽm (HS 7210 4912), thép không gỉ cán phẳng (7219 1300), thép cuộn (HS 7209 1600) và thép dạng thanh, que (HS 7227 2000).

Đối với xuất khẩu, trong 9 tháng đầu năm 2017, Việt Nam cũng đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ 378.164 tấn thép, trị giá hơn 302,9 triệu USD. Nhóm xuất khẩu nhiều nhất là thép mạ crom (HS 7210 6111) đạt 93 triệu USD, chiếm 31% lượng thép xuất khẩu sang Mỹ.

Số liệu thống kê của hải quan cho thấy có 11 mặt hàng thép xuất khẩu sang Mỹ có mã HS trùng với mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm 34% lượng thép xuất khẩu sang Mỹ. Các mã HS còn lại hoặc không nhập từ Trung Quốc, hoặc lượng nhập rất ít, không đủ để xuất khẩu.

img

Trong số các cổ phiếu ngành thép, SSI Research nhận định HPG sẽ không bị ảnh hưởng(Ảnh: IT)

Chỉ xuất khẩu sang Mỹ khoảng 13%

Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI RetailResearch) cũng đưa ra nhận định, trong ợt điều chỉnh thuế thép chống ăn mòn và cán nguội có thể nhắm tới một số công ty sản xuất thép Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán như Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (NKG). Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) không chịu ảnh hưởng do công ty chỉ xuất khẩu thép dài. Hiện tại, lượng thép xuất khẩu chiếm khoảng 40-45% tổng lượng thép của HSG và NKG.

Báo cáo mới nhất của HPG cho thấy, sau 11 tháng, thép Hòa Phát đã đạt sản lượng bán hàng 1,95 triệu tấn, tương đương 98% kế hoạch năm 2017, tăng 23,7% so với cùng kỳ và cao hơn gần 10% sản lượng bán hàng cả năm 2016.

Tuy nhiên, SSI Research nhận định đợt điều chỉnh thuế này nếu được thực hiện cũng không ảnh hưởng nhiều đối với các công ty trên do các công ty này cũng đã chủ động đa dạng hóa thị trường lên tới 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặt khác, lượng thép của Việt Nam xuất sang Mỹ cũng chỉ chiếm khoảng 13% tổng lượng thép xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm và chỉ bằng ½ lượng thép so với năm 2016.

Trước đó, Bộ Công Thương cho biết, ngày 5. 12.2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với thép các bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sơ bộ khẳng định việc lẩn tránh thuế đối với hai sản phẩm này là có thật, cụ thể là từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Dự kiến, DOC sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào ngày 16.2. 2018. Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo của vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, phù hợp với quy định tại các Hiệp định có liên quan của WTO.

Năm 2015, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra để áp thuế AD và CVD đối với 2 sản phẩm trên của Trung Quốc. Năm 2016, Hoa Kỳ chính thức áp thuế AD là 199,43% và CVD là 39,05% đối với tôn mạ của Trung Quốc. Đối với thép cán nguội, mức thuế AD là 265,79% và CVD là 256,44%.

Trên cơ sở quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Hải quan Hoa Kỳ sẽ bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam nếu các sản phẩm này được sản xuất từ nguyên liệu là thép cán nóng của Trung Quốc. Khoản tiền đặt cọc sẽ tương đương với mức thuế AD và CVD mà Hoa Kỳ đang áp dụng cho tôn mạ và thép cán nguội có xuất xứ Trung Quốc như đã nêu ở trên. Các doanh nghiệp sẽ không phải đặt tiền cọc nếu chứng minh được rằng tôn mạ và thép cán nguội không được sản xuất từ thép cán nóng của Trung Quốc.

Bộ Công Thương cho rằng, điểm mấu chốt trong sự việc lần này là Hoa Kỳ đã đi ngược lại thông lệ của chính mình khi không coi quá trình chuyển đổi mô tả ở trên là quá trình "chuyển đổi đáng kể" nữa. Việt Nam và nhiều nước khác đã thể hiện sự quan ngại rất lớn trước sự thay đổi quan điểm của Hoa Kỳ. Việt Nam khẳng định việc chuyển đổi từ thép cán nóng sang thép cán nguội và tôn mạ phải được coi là sự "chuyển đổi đáng kể" như Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã từng kết luận trước đây và vì vậy, không tồn tại hành vi lẩn tránh thuế như Bộ Thương mại Hoa Kỳ cáo buộc.