Dân Việt

Sự thờ ơ đã dung dưỡng bạo lực trẻ em

Minh Nguyệt 11/12/2017 07:00 GMT+7
Trong một tháng qua, gần 10 vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng đã xảy ra, trong đó nhiều vụ kẻ thủ ác chính là người thân của các bé. Lý giải về nạn bạo hành trẻ em ngày càng nhiều, bà Nguyễn Phương Linh (ảnh) - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) cho rằng, rất nhiều người lớn đang dùng sự đau đớn để ép buộc trẻ theo ý mình.

Người lớn thiếu ý thức, trẻ con còn bị bạo hành

Chỉ trong 1 tháng vừa qua đã xảy ra gần chục vụ trẻ em bị bạo hành nghiêm trọn, gần nhất là vụ bố bạo hành con trai 10 tuổi ngay tại Hà Nội.... Theo bà, nguyên nhân từ đâu?

- Có rất nhiều nguyên nhân nhưng về căn bản, tôi nghĩ chừng nào còn quan niệm "yêu cho roi cho vọt", "đánh cho nên người" trẻ em còn bị bạo hành. Chừng nào người dân chưa ý thức được quyền trẻ em, bạo hành trẻ em là bị phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự chứ không phải chỉ là chuyện "dạy dỗ con cái, cháu chắt", các vụ bạo hành còn xảy ra tràn lan và phổ biến. Chừng nào người thân, hàng xóm, các cơ quan chức năng còn coi nhẹ việc phát hiện, tố cáo các hành vi bạo hành trẻ em mà chúng ta có thể nhìn thấy hàng ngày, trên đường phố, trường học, hàng xóm, bạo lực còn phổ biến. Chúng ta phẫn nộ, nhưng ấy là khi các hậu quả rất nghiêm trọng đã xảy ra. Tại sao không hỏi mình đã làm gì khi nhìn thấy một vụ đánh đập trẻ em trên đường, ở trường hoặc bên nhà hàng xóm? Thậm chí, mỗi người chúng ta cũng đang đánh, mắng, bạo hành con mình mà vẫn cho rằng mình đang “dạy”, đang “thương” trẻ. 

Với những quan niệm, hiểu biết và sự thờ ơ như trên, chính chúng ta đang hàng ngày thực hiện hoặc dung dưỡng cho bạo lực trẻ em phát triển. Hôm nay, một người lớn như cha mẹ, ông bà, thầy cô, người giúp việc nghĩ "trẻ con không biết gì cần được dạy dỗ", cần bị mắng nhiếc, rồi đánh phạt vào tay con, rồi đánh vào mông con, tát vào má để con ngoan, con nghe lời, con nên người. Nếu trẻ em vẫn chưa nghe lời sẽ dùng các biện pháp mạnh hơn, dần dần như thế tăng hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ em. Chúng ta đang dùng các nỗi đau, các sự trừng phạt để ép buộc trẻ phải tuân theo ý mình.

img

 Cha mẹ, thầy cô nên cùng con trẻ tìm các giải pháp thay vì chọn cách dạy trẻ bằng đòn roi.ảnh: Minh Nguyệt  

Cơ quan quản lý Nhà nước luôn khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ chế, thể chế, luật pháp trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhưng tại sao các vụ bạo hành trẻ em vẫn xảy ra?

- Như tôi đã trả lời ở trên, người dân chủ yếu chưa có hiểu biết, ý thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Họ thường “ngụy trang” hành vi bạo lực của mình là giáo dục, răn đe hay uốn nắn trẻ con cho con tốt hơn, ngoan hơn, giỏi hơn. Tôi nghĩ không phải các vụ sau nghiêm trọng hơn vụ trước mà càng ngày, với sự tham gia truyền thông của các tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước và báo chí, cộng đồng có ý thức hơn trong việc lên án và đòi hỏi phải xử lý các vụ bạo hành trẻ em.

Nhưng đáng tiếc, hầu hết các vụ được phát hiện đều để lại hậu quả nghiêm trọng cho trẻ chứ không được phát hiện sớm. Hiện tại về mặt văn bản, luật pháp có thể đủ nghiêm minh nhưng việc thực hành, xử lý cũng chưa đủ mạnh để tăng tính răn đe. Ngoài ra, chúng ta có quy định các hành vi bạo lực khác nhau với trẻ nhỏ, nhưng có vẻ chỉ mạnh với các hành vi bạo lực gây ra thương tổn nặng nề với thân thể chứ chưa có với các hình thức bạo lực nhẹ lại diễn ra thường xuyên, tăng nặng dần hay bạo lực tinh thần. Theo tôi, rất cần thiết phải quy định rõ trong luật việc cấm hoàn toàn các hình thức bạo lực thể chất và tinh thần với trẻ. Ngoài ra, công tác truyền thông pháp luật, giáo dục cộng đồng cũng cần phải tăng cường.

Cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn

Tôi rất hy vọng gia đình sẽ có các phương pháp kỷ luật tích cực, giáo dục con không dùng bạo lực, tích cực quan tâm con cái để phát hiện và phòng tránh cho con là nạn nhân của bạo lực ở gia đình, nhà trường, hay trong cộng đồng. Trẻ nhỏ là cá thể riêng biệt nên trước pháp luật, ai cũng đóng vai trò là những người bảo vệ trẻ em. Do đó, khi thấy các hành vi bạo lực trẻ em, người dân, các công dân cần liên hệ ngay các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội”. 
Bà Nguyễn Phương Linh 
 

Một số chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến cho trẻ em bị bạo hành là do sự thờ ơ của cha mẹ, ông bà, làng xóm... không quan tâm, không tố giác khi gặp hành vi bạo lực trẻ nhỏ? Quan điểm của bà thế nào về vấn đề này?

- Tôi cũng có chung quan điểm là sự thiếu nhận thức và cả thờ ơ của cha mẹ, ông bà, làng xóm, và cả các ban ngành, đoàn thể, cơ quan chức năng không tố giác hành vi bạo lực trẻ nhỏ là một trog các nguyên nhân. Lấy cớ "giáo dục" thì mọi chuyện đều là "chuyện riêng", "chuyện gia đình", "chuyện không phải của mình" cần "đóng cửa bảo nhau"… Tôi nghĩ hầu hết chúng ta đều có ít nhất đôi lần chứng kiến các vụ bạo lực ở mức độ nặng nhẹ khác nhau nhưng đều tặc lưỡi cho qua, đấy là không kể chính ông bà cha mẹ trong gia đình có hành vi bạo lực thì cũng không tố giác nhau. Điều này làm cho tình trạng bạo lực ngày càng tệ. Ví dụ như vụ bố và mẹ kế bạo hành con vừa diễn ra ở Hà Nội diễn ra một thời gian dài, tại sao  không có người thân nào của em bé, làng xóm hay bạn bè, thầy cô giáo ở trường phát hiện và hỗ trợ cháu.

Bà đánh giá thế nào về sự vào cuộc của các cấp, bộ ngành về việc xử lý bạo hành trẻ em?

- Tôi thấy gần đây các cơ quan chức năng cũng vào cuộc rất nhanh chóng, có sự chỉ đạo từ cấp cao nên nhiều vụ bạo hành đã không bị cho qua mà bị khởi tố, kẻ xâm phạm, bạo hành trẻ em phải bị trừng phạt. Đây là một dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, tôi nghĩ công tác này vẫn cần được đẩy mạnh hơn nữa thì chúng ta mới phát hiện và phòng tránh cho trẻ em ngay từ lúc sơ khai chứ không phải đến lúc gây hậu quả nghiêm trọng rồi mới xử lý. Thêm vào đó, tôi nghĩ nghiệp vụ xử lý, làm việc với trẻ em của các cán bộ điều tra, toà án… cũng cần được cải thiện, để không gây nên "bạo lực tinh thần" hay xâm hại tinh thần với trẻ em một lần nữa. Hy vọng các cơ chế bảo mật thông tin về cá nhân, hình ảnh và các biện pháp tâm lý đối với các nạn nhân bạo lực trẻ em được thực hiện hiệu quả để bảo vệ tương lai các em sau này.

Thực ra, việc phòng tránh bạo lực trẻ em cần sự phối hợp liên ngành, đa ngành từ giáo dục, y tế, truyền thông... nên rất cần một cơ chế thật cụ thể để bảo vệ trẻ em, tránh trường hợp trẻ em bị bạo lực thì không biết kêu bên nào. Tôi nghĩ đường dây nóng là một giải pháp tốt, mới bắt đầu được triển khai nên tôi rất kỳ vọng sẽ hoạt động hiệu quả với sự liên kết của các bộ ngành trong bảo vệ trẻ em.

Luật đã quy định người đứng đầu địa phương.... phải chịu trách nhiệm, vì sao sau hàng loạt vụ việc bạo hành nghiêm trọng, vẫn chưa thấy bất cứ một lãnh đạo, chủ tịch huyện, tỉnh nào phải chịu trách nhiệm?

- Tính chịu trách nhiệm vẫn còn là khái niệm mới mẻ đối với các lãnh đạo, tôi nghĩ vậy. Thông thường các trách nhiệm là của tập thể, đây lại là việc chịu trách nhiệm liên ngành nên việc xác định trách nhiệm khó khăn, cũng dễ thoái thác trách nhiệm. Văn hoá chịu trách nhiệm ở Việt Nam đã được nói nhiều nên tôi nghĩ vẫn là chuyện thực hành pháp luật phải nghiêm minh hơn, cộng đồng cũng cần lên tiếng nhiều đòi hỏi những người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Xin cảm ơn bà! /.