Dân Việt

Về với “Thủ đô gió ngàn”

29/10/2011 06:29 GMT+7
(Dân Việt ) - Với các học viên của Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng), xã Phượng Tiến (Định Hóa, Thái Nguyên) đã trở thành quê hương thứ hai, nơi có các mế từng dành củ sắn, củ khoai nuôi nhà trường từ khi kháng chiến chống Pháp. Các hoạt động về nguồn được Học viện tổ chức thường xuyên.

Tấm lòng dân bản

Chiếc Uoát đưa đoàn công tác của Học viện Chính trị vượt gần 150km từ Hà Nội để đến với bà con Xóm Héo, xã Phượng Tiến, Định Hóa, Thái Nguyên thăm lại cội nguồn, nơi cách đây 60 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đến để nói chuyện với khóa học đầu tiên của nhà trường.

img
Trao tặng nhà tình nghĩa cho mẹ Lương Thị Khải.

Ngày nay, con đường vào xóm Héo hầu hết đã được bê tông hóa nên việc đi lại dễ dàng hơn trước, bộ mặt bản làng và cuộc sống người dân có nhiều thay đổi, duy chỉ tình cảm của bà con vẫn nồng ấm như ngày nào.

Hôm nay, các mế, các chị dường như đẹp hơn thường ngày với trang phục đa màu sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Mông... ra tận đầu bản đón đoàn, làm cho không khí rộn ràng hẳn lên. Bát nước chè tươi, chén rượu men lá, những quả trám đen thơm bùi trong miệng khiến các cựu chiến binh có cảm giác được sống lại những năm tháng chiến tranh đồng cam cộng khổ với người dân nơi đây.

Mỗi lần về bản là một lần đầy ắp kỷ niệm, đến mà không muốn rời bởi nghĩa tình sâu nặng của bà con dân bản. Tình cảm ấy không chỉ những thế hệ đã đi qua chiến tranh mà cả những cán bộ trẻ cũng cảm nhận rõ ràng.

Thiếu úy Nguyễn Văn Thành - lái xe của đoàn cho biết: “Hôm nay còn đỡ, chứ có lần chúng em chở đoàn đến cũng vào tầm tháng 10, lúc đi không sao nhưng khi rời bản, trời lạnh và mưa tầm tã, đoạn đường qua xóm Héo như tráng một lớp mỡ, chiếc Uoát từng được mệnh danh là “vua sa mạc” dù đã cố hết sức cũng chẳng nhúc nhích, bánh sau xoáy tít và chỉ ít phút thì sa lầy, trời lại ngày một tối nên cũng chẳng ai ra nghĩ ra cách. Vậy mà chỉ một người dân bản phát hiện thì một lúc sau, hơn 10 thanh niên trai tráng cùng với trâu, dây chão, đòn bẩy lần lượt tập kết và chỉ sau hơn 10 phút, chiếc xe đã được giải phóng”. Có lẽ ngày xưa, ông cha ta đã dựa vào sức dân thì hôm nay, điều này càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Trở về nguồn cội

Trở lại Định Hóa, chúng tôi đến nơi mà Bác Hồ đã ngồi nói chuyện với khóa học đầu tiên của nhà trường vào ngày 25.10.1951, khi đó là Trường Luân huấn chính trị trung cao quân đội. Nơi đây giờ đã được nhà trường lập nhà bia tưởng niệm.

Thắp nén hương tưởng nhớ, có cảm giác như Người vẫn đang ngồi trên thảm cỏ xanh bên sườn đồi với câu dặn dò đầy ý nghĩa: “Phải học tập chính trị: Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”.

Lời dặn dò ấy đã trở thành động lực cho sự phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường trong suốt 60 năm qua.

Chúng tôi trở lại Định Hóa là trở về với nguồn cội, nơi mà cách đây 60 năm, nhân dân các dân tộc đã đùm bọc, cưu mang giúp đỡ cán bộ, giáo viên nhà trường trong thời kỳ khó khăn nhất của 2 cuộc kháng chiến. Do vậy, hằng năm nhà trường tổ chức về nguồn và xây tặng nhà tình nghĩa cho bà con chính là sự tri ân đối với những người có công, các anh hùng liệt sĩ.

Về xóm Héo lần này, nhà trường cùng chính quyền địa phương đã tổ chức trao nhà tình nghĩa cho gia đình mẹ Lương Thị Khải, 85 tuổi (mẹ liệt sĩ Mông Văn Hạ - hy sinh trên chiến trường biên giới Tây Nam năm 1978). Ngôi nhà có diện tích 80m2 được xây dựng với tổng số tiền 120 triệu đồng, trong đó, Học viện đóng góp 60 triệu, số tiền còn lại do chính quyền địa phương và bà con xóm làng giúp đỡ. Món quà nhỏ nhưng mang đầy ý nghĩa bởi đây là tấm lòng tri ân đối với gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.

Chính tại nơi này, bà con đã từng cưu mang, đùm bọc cán bộ, giáo viên nhà trường trong những năm đầu thành lập. Tính đến nay, Học viện Chính trị đã trao tặng 5 nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng huyện Định Hóa, Thái Nguyên với tổng số tiền gần 300 triệu đồng. Mỗi lần về với bản, tình quân dân càng được vun đắp bởi nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ nhà trường và tấm lòng thủy chung son sắt của người dân nơi “Thủ đô kháng chiến” nghĩa nặng tình sâu.