Gia tăng tội phạm xâm hại tình dục
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, 3 năm qua Việt Nam ghi nhận hơn 4.100 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã có hơn gần 700 vụ/716 đối tượng, xâm hại 710 em, so với cùng kỳ năm 2016 tăng 43 vụ. Ông Khổng Ngọc Oanh – Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, cho biết, trên thực tế, con số này còn lớn hơn bội phần vì nhiều lý do và hiện vẫn không có số liệu quốc gia một cách chính thức. Ước tính cứ 1.000 vụ xâm hại tình dục thì lại có tới gần 60% số vụ là xâm hại trẻ em gái ở độ tuổi 12-15, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm 13,2%.
Việc xử lý tội phạm xâm hại trẻ em còn khó khăn vì thiếu chứng cứ và một số quy định của pháp luật còn chung chung (ảnh minh họa). Ảnh: T.L
"Cha mẹ cần có những hướng dẫn cụ thể, tuỳ từng độ tuổi của con. Với trẻ em gái, hướng dẫn các em tránh xa nam giới trong những môi trường kín chỉ có một nam, một nữ hoặc chỉ có người lạ. Nâng cao cảnh giác cho các em, với cả người quen...”. Bà Nguyễn Thị Nga |
Nhiều chuyên gia khẳng định, nguyên nhân của các vụ xâm hại tình dục trẻ em không được đưa ra xét xử vì thiếu chứng cứ và một số quy định của pháp luật còn chung chung. Ông Hoàng Ngọc Tuyên - Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Viện KSND tối cao) cho biết, ngoài những lý do là bị hại tố cáo muộn khiến việc thu thập chứng cứ không kịp thời, không đủ căn cứ để kết tội tội phạm; mặt khác, do quy định của pháp luật chưa nêu cụ thể các hành vi dâm ô trẻ em nên các cơ quan tố tụng không thống nhất được các hành vi cấu thành tội phạm. Do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung việc nêu rõ những khái niệm chưa rõ ràng, phù hợp với thực tế; cách thức điều tra xử lý loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Ông Oanh cũng cho rằng, hiện nay nhiều cán bộ sợ oan sai nên rất thận trọng trong đề xuất xử lý các vụ xâm hại trẻ em, sợ bị oan nên chứng cứ non một chút là không dám và chờ thu thập thêm chứng cứ, làm kéo dài thời gian và gây bức xúc, dư luận đặt hỏi sao công an không xử lý. Bên cạnh đó, việc điều tra, lấy lời khai và thu thập chứng cứ cũng như dấu vết vụ án vô cùng khó khăn...
Đáng nói, không ít kẻ xâm hại trẻ em lại chính là người trong gia đình, họ hàng, người quen của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ, các thành viên trong gia đình lại rất chủ quan, hiếm khi nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm để cách ly con khỏi kẻ phạm tội vốn là họ hàng...
Học cách bảo vệ con
Trong hội thảo “Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em – Từ luật pháp, chính sách đến thực tiễn” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tổ chức tuần qua, nhiều chuyên gia cho rằng để phòng ngừa và ứng phó với vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, cha mẹ cần nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng tránh.
Bà Nguyễn Thị Nga – Cục phó Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng, một số gia đình có cuộc sống khó khăn nên không quan tâm tới con cái, đây là nguyên nhân gián tiếp, tiếp tay cho đối tượng xâm hại nạn nhân. Muốn bảo vệ trẻ em, cha mẹ cần phải dành thời gian cho con, tâm sự chia sẻ và dạy con cách phòng tránh, ứng phó trước những hoàn cảnh có nguy cơ bị xâm hại. “Khi trẻ bị xâm hại tình dục thì cần phải động viên con vượt qua nỗi đau. Gia đình ngay lập tức báo với chính quyền địa phương, công an, phòng lao động, hoặc tổng đài 111 để được hỗ trợ, xử lý giải quyết” – bà Nga nói.
Bên cạnh đó, bà Nga cũng cho rằng cha mẹ vẫn phải dành tối thiểu 30 phút mỗi ngày để làm bạn, tâm sự với con thì cha mẹ có thể nắm bắt được những thông tin về nguy cơ con có thể gặp phải, tránh trường hợp con đã bị xâm hại rồi mới biết.