Dân Việt

Đỏ mắt tìm nghệ nhân

29/10/2011 18:18 GMT+7
(Dân Việt) - Theo Quyết định 1956/QĐ-TTg thì nghệ nhân là một trong những “nguồn” giáo viên đặc biệt dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, ở các làng nghề ngày càng vắng bóng nghệ nhân vì nhiều lý do...

Nghề không có nghệ nhân

Tại lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên (Hà Nội) lần thứ nhất (diễn ra trong 4 ngày, từ 26 đến 29.10) có hàng trăm gian hàng trình diễn những nghề truyền thống đặc sắc tại địa phương, nhưng số nghệ nhân thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

img
Nặn tò he lànghề truyền thống có lịch sử 500 năm ở xã Phượng Dực.

Chúng tôi dạo quanh các gian hàng trưng bày như khảm trai Chuyên Mỹ, giày da Phú Yên, may Vân Từ, tò he Phượng Dực… và dừng lại ở gian hàng đan guột tế Tri Trung. Chị Nguyễn Thị Phả- chủ gian hàng cho biết, nghề đan guột tế đã phát triển ở Phú Xuyên được khoảng 7 năm, thu nhập bình quân 50.000-60.000 đồng/người/ngày.

Thậm chí nhiều người có thu nhập hơn 200.000 đồng, gấp 3-4 lần so với lao động bình thường. Tuy nhiên, hiện cả xã chưa có người làm nghề nào được phong tặng nghệ nhân. “Đời sống cơm áo gạo tiền còn nhiều khó khăn nên chẳng ai nghĩ đến việc làm hồ sơ phong tặng nghệ nhân”- chị Phả tâm sự.

Còn ông Nguyễn Văn Thái, 72 tuổi, một thợ mộc nổi tiếng ở thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, thở dài: “Thời buổi khó khăn, người làm nghề như chúng tôi cốt có tiền tiêu chứ chẳng ai nghĩ đến việc được phong tặng danh hiệu này, danh hiệu khác”.

Tại gian trưng bày tò he truyền thống xã Phượng Dực, người tham quan phải chen chân mới có thể chiêm ngưỡng được những tác phẩm nghệ thuật tinh tế, đầy màu sắc xanh đỏ.

Ông Chu Tiến Công - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản tò he Xuân La (Phượng Dực) cho biết, nghề nặn tò he đã có lịch sử khoảng 500 năm ở địa phương nhưng đến nay chỉ có 2 nghệ nhân được phong tặng là ông Chu Văn Hải (65 tuổi) và ông Đặng Văn Tố (79 tuổi).

Hiện nay, ông Tố đã mất, còn ông Hải chỉ làm nghề được ở nhà do tuổi cao, sức yếu. Được biết hiện nay Câu lạc bộ Di sản tò he Xuân La có 107 hội viên, trong đó có hơn 10 người tuổi 70-80 nhưng chẳng ai được phong nghệ nhân. “Hiện nay, chúng tôi đang gấp rút hoàn thành hồ sơ phong tặng cho một số nghệ nhân cao tuổi”- ông Công cho biết.

Tri ân tổ nghề

7 năm có thể đào tạo được một bác sĩ, nhưng 17 năm thậm chí dài hơn nữa cũng chưa chắc đã có một nghệ nhân. Vì thế, việc phong tặng nghệ nhân cho những người làm nghề giỏi là việc làm cấp thiết thời điểm này, góp phần duy trì và phát triển nghề truyền thống bền vững.

Ông Chu Phú Mỹ - Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, Trưởng ban Tổ chức lễ hội cho biết, Phú Xuyên có lẽ là huyện có nhiều làng nghề nhất trong cả nước với 124 làng có nghề. Lễ hội nhằm mục đích vinh danh tổ nghề và tri ân các bậc tiền nhân.

Tuy nhiên, thực tế, ở nhiều làng nghề truyền thống hiện nay, người làm nghề chưa thực sự được đánh giá một cách xứng đáng, đặc biệt là việc được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân.

Anh Nguyễn Danh Sơn, 39 tuổi, một nghệ nhân trẻ hiếm hoi mà chúng tôi gặp ở lễ hội lần này không giấu được nỗi buồn khi nói về câu chuyện vinh danh nghệ nhân. “Có quá nhiều tiêu chí mà người làm nghề khó đạt được nếu xét phong tặng nghệ nhân. Nhiều người làm nghề rất giỏi nhưng phát triển nghề không rộng cũng khó được phong tặng”- anh Sơn cho biết.

Ông Vũ Quốc Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN, nhấn mạnh: Nghệ nhân chính là “gốc” của các làng nghề. Vì thế, cần thúc đẩy nhanh hơn nữa việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân để khuyến khích họ cống hiến nhiều hơn. Đây cũng là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong việc tri ân tổ nghề.