Dân Việt

Những đặc sản "ngon hết xảy" nhưng khiến thực khách phải đỏ mặt

Huyền Thanh (Tổng hợp) 14/12/2017 12:05 GMT+7
Những món ăn này rất bổ dưỡng, độc đáo, nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon nhưng hình dáng của chúng lại khiến nhiều người phải giật mình, đỏ mặt khi nhìn thấy.

Ốc vú nàng

Không chỉ "gợi cảm" trong tên gọi, ốc vú nàng còn là món ăn khiến bao người ngẩn ngơ, mê mẩn. Loài ốc này sinh sống trên các ghềnh đá tại một số nơi như biển Côn Đảo, vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), khu vực Đại Lãnh dưới chân đèo Cổ Mã ở Khánh Hòa…

img

Vỏ ốc hình nón, trên đỉnh có núm nhỏ. Bên ngoài vỏ có màu đen xám nhưng bên trong lại lấp lánh xà cừ, khi chà vỏ ốc vào cát sẽ thấy ánh lên màu hồng. Ốc càng lớn, vỏ càng có màu hồng đậm. Vì những đặc điểm đó mà người ta dễ liên tưởng tới đôi gò bồng đảo căng tràn của người thiếu nữ.

Thông thường, mỗi con ốc vú nàng chỉ to bằng ba ngón tay người lớn, nhưng ốc ở Côn Đảo hay Cù Lao Chàm có con to gần bằng bàn tay. Những con ốc nhỏ hơn, người dân còn gọi vui là… ốc vú chàng. Ốc vú nàng có quanh năm, nhưng chúng xuất hiện nhiều nhất là vào những ngày trăng tròn.

img

Nếu may mắn được thưởng thức, du khách sẽ không quên được vị ngon ngọt, săn giòn của loài ốc biển “gợi cảm” này. Trước đây, ốc vú nàng là hải sản chỉ dành riêng cho các bậc vua chúa.

Dù là nướng, luộc, làm gỏi hay làm món trộn thì ốc vú nàng cũng đều thơm ngon. Nhưng với ngư dân, món ốc vú nàng luộc được coi là thông dụng nhất. Người ta chẳng cần bỏ thêm nước mà cứ thế bắc nồi ốc lên bếp, để tự ốc tiết ra nước và luộc chính nó. Người đứng bếp chỉ cần dùng đũa đảo đều, đến khi thịt ốc săn lại, từ trắng ngả sang màu vàng và tỏa ra hương thơm hấp dẫn là lúc ốc vừa chín tới.

Tu hài

Tuy không phổ biến và quen thuộc như tôm, mực, sò,… nhưng nếu từng một lần thưởng thức tu hài, chắc chắn du khách sẽ khó lòng quên được hương vị đặc trưng của loại hải sản này.

Loài sinh vật thuộc họ ốc biển này sống dải rác tại các vùng duyên hải của các đại dương. Với hình dáng khá “nhạy cảm” và tác dụng bổ thận, tráng dương nên tu hài được phái mạnh khá ưa thích. Môi trường sống của tu hài là vùng biển ấm, có cát trắng và những rạn san hô. Chúng ăn tảo và sinh vật phù du trong nước biển. Tu hài phát triển quanh năm, đặc biệt lớn nhanh vào mùa hè và mùa thu.

img

Nhìn bề ngoài, tu hài khá giống với các loài hai mảnh vỏ khác. Nhưng điểm đặc trưng là chúng có cái vòi nhô ra trông giống vòi của chú voi con. Thêm nữa, chiếc vòi này có thể chui rút vào trong nên người dân địa phương còn gọi chúng là ốc vòi, ốc vòi voi hay con thụt thò.

Ở Việt Nam, tu hài thường có kích thước nhỏ. Nhưng ở nhiều vùng biển trên thế giới, tu hài có thể dài tới 1-2m. Hình dáng của chúng gợi cho du khách sự tò mò xen lẫn thích thú vì khá nhạy cảm.

Thịt tu hài rất ngon, thường được chế biến theo nhiều cách tùy vào khẩu vị của thực khách, nhưng thường thấy nhất là tu hài nướng và tu hài hấp khô. Các món ăn từ tu hài rất giàu chất dinh dưỡng, được cho là tốt cho sức khỏe của nam giới. Những món ăn được chế biến từ tu hài như: nấu cháo, luộc, hấp, nướng mỡ hành hay ăn sống với mù tạt… thường đậm đà, có hương vị thơm ngon nên rất được nhiều người ưa thích.

Sá sùng

Sá sùng có nhiều ở vùng biển Việt Nam như biển Vân Đồn và Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, ở Nha Trang, Côn Đảo, Bến Tre, Cà Mau... Tùy theo mỗi vùng, tên dân gian của loài động vật này mỗi khác như sá sùng, sâu đất, đồn đột, chặt khoai, giun biển, địa sâm, bi bi, con cạp đất...

Loài thân mềm chỉ sống ở những bãi cát ven biển nơi thủy triều lên, xuống tạo ra những doi cát, có da trơn nhẫy, dài thuôn, sờ vào thấy mềm và mát. Chúng dài khoảng 5 đến 10 cm, cá biệt có con dài đến 30cm, đường kính 20cm, nặng từ 1 đến 3kg. Khi bị bắt lên khỏi mặt biển, chúng thu mình lại, tròn như một quả bóng, cái miệng bé như lỗ van bơm hơi. Da thay đổi màu sắc tùy theo môi trường nó ở.

Chế biến sá sùng rất công phu, phải rạch dọc theo thân, lộn nó ra để chà xát thật kỹ với muối cho ruột hết cát và hết mùi tanh. Sá sùng phải rửa nhiều lần, ngay dưới vòi nước mạnh, đến khi có màu trắng ngà mới là sạch. Sá sùng có vị ngọt tự nhiên, nên khi chế biến không cần thêm đường, bột ngọt. Một chút muối dằn hương vị là đủ làm sá sùng tăng vị đậm đà.

img

Thịt sá sùng có vị ngọt, chứa nhiều dưỡng chất nên được ví như một loại “thần dược” dành cho người ốm. Chỉ cần 1 bát canh sá sùng tươi nấu cùng lá lốt, người ốm sẽ ngồi dậy đi lại bình thường, còn người khỏe mạnh khi ăn vào sẽ thấy khoan khoái và tràn đầy sinh lực. Đặc biệt, sá sùng được cánh mày râu coi như một loại Viagra tự nhiên.

Sá sùng có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, nhưng phổ biến hơn cả là sá sùng hầm thuốc bắc, xào đỗ... Sá sùng phơi khô có thể dùng làm ngọt nước phở hoặc nướng lên cũng rất giòn và thơm. Sá sùng tươi có giá 250.000 - 300.000 đồng mỗi kg. Nhưng nếu đem về sấy khô thì giá bán cao gấp 10 lần.