Theo ông Hà Văn Quân, UBND tỉnh Điện Biên đã xây dựng chương trình giảm nghèo bền vững và giao cho các huyện thực hiện. Trách nhiệm để xảy ra tình trạng giá cây sa nhân giống cấp cho người dân rất cao, đồng thời chưa ký hợp đồng với các nhà cung ứng đã vội vàng cấp cây giống cho người dân thuộc về các xã và UBND huyện Mường Nhé.
Trả lời phóng viên Dân Việt, ông Hà Văn Quân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên khẳng định: Trách nhiệm để xảy ra tình trạng giá cây sa nhân giống cấp cho người dân cao gấp 5 lần giá ngoài thị trường, đồng thời chưa ký hợp đồng với các nhà cung ứng đã cấp cây cho người dân thuộc về các xã và UBND huyện Mường Nhé.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Hà Văn Quân khẳng định: “Theo quyết định của UBND tỉnh, khi hỗ trợ cho người dân thì các xã phải thành lập nhóm hộ và xây dựng 1 dự án để tổ chức thực hiện, quy trình rất rõ. Nếu xã chưa biết làm thì các cơ quan chuyên môn của UBND huyện phải hướng dẫn từ khâu lập dự án, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện. Còn trả lời như ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé với báo Dân Việt như vậy là không có trách nhiệm”.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc Sở NN&PTNT có nắm được việc huyện Mường Nhé cấp cây sa nhân giống cho dân với giá quá cao, ông Hà Văn Quân cho biết: “Sở không nắm được việc này. Do nguồn vốn theo các chương trình đã phân bổ về các huyện. Huyện Mường Nhé cấp với giá cao như báo Dân Việt phản ánh, chúng tôi sẽ báo cáo UBND tỉnh để tiến hành kiểm tra, xử lý tùy vào mức độ vi phạm”.
Cán bộ xã Sín Thầu kiểm tra chất lượng cây sa nhân sau khi trồng.
Việc chưa ký hợp đồng với các nhà cung ứng nhưng đã cấp cây cho người dân, ông Hà Văn Quân khẳng định: Huyện Mường Nhé làm chưa đúng với hướng dẫn của UBND tỉnh Điện Biên.
Theo ông Quân, đúng ra huyện phải tập hợp các nhóm hộ, xây dựng dự án và trình lên UBND huyện thẩm định về giá, hồ sơ... đảm bảo quy trình rồi mới ký hợp đồng với đơn vị cung ứng giống cây. Còn 4 xã của huyện Mường Nhé chưa ký hợp đồng với nhà cung ứng mà đã tiến hành cấp cây cho dân là hoàn toàn sai.
Trước câu hỏi có hay không việc phân bổ nguồn vốn chậm, ông Quân cho biết: “Nguồn vốn thì tỉnh cũng bị động, do Trung ương phân bổ vốn. Nhưng không nhất thiết phải trồng cây sa nhân ngay trong mùa khô, có thể để sang năm 2018 thực hiện vẫn được vì đây là nguồn vốn sự nghiệp kéo dài cả giai đoạn. Trồng cây lâm nghiệp mà trồng vào đầu mùa khô thì trái quy trình, do hiệu quả rất thấp”.
Theo ông Quân, Sở NN&PTNT sẽ báo cáo UBND tỉnh tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ vấn đề này.