Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII vừa thông qua việc sửa đổi Nghị quyết số 62/2017/NQ-HĐND về việc thu phí tham quan Khu di tích Yên Tử; nghị quyết bổ sung nội dung về mức thu, đối tượng thu và quản lý sử dụng phí tham quan danh thắng Yên Tử.
Theo đó, từ 1.1.2018, du khách đến tham quan khu di tích Yên Tử sẽ phải trả phí với mức 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em. Ban quản lý di tích rừng Quốc gia Yên Tử quản lý và được trích lại 20% để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, 80% số phí còn lại nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Mỗi năm Yên Tử đón hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước.
Trước quyết định này, Giáo hội phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho rằng, các tín đồ Phật tử là những người thường xuyên công đức để góp phần tôn tạo, xây dựng Yên Tử được như ngày hôm nay, nên việc thu phí với họ tại Yên Tử là chưa hợp lý.
Bên cạnh đó, du khách khi hành hương về Yên Tử đã phải trả phí gửi xe, phí cáp treo, xe điện… nếu có thêm phí tham quan sẽ dẫn đến hiện tượng phí chồng phí. Bán vé vãn cảnh Yên Tử thực chất là bán vé vào chùa Yên Tử. Hơn nữa, đã có khu di tích đang nghiên cứu việc bỏ vé vãn cảnh để thu hút du khách như Khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc (Hải Dương). Đặc biệt, Khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử (Bắc Giang) đang tạo nhiều điều kiện thông thoáng nhất để mời gọi du khách.
Tại nội dung kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh cách đây một năm (kỳ họp cuối năm 2016) đã đưa ra dự kiến việc thu phí vãn cảnh Yên Tử, dư luận nhân dân chưa có sự đồng thuận nên HĐND tỉnh đã có quyết định dừng việc thu phí vãn cảnh Yên Tử và giao cho UBND TP.Uông Bí phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh bàn bạc, thống nhất trình HĐND tỉnh quyết định. Từ đó đến nay, UBNDTP.Uông Bí và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh chưa bao giờ có việc triển khai bàn bạc về việc này.
Du khách đến Yên Tử phải đóng nhiều loại phí dịch vụ tại đây.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Lâm, Bí thư Thành ủy TP. Uông Bí cho biết, hiện nay, chi phí cho 60 cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý di tích, rừng quốc gia Yên Tử, chưa kể chi phí tu bổ, vệ sinh môi trường… đều lấy từ nguồn ngân sách khoảng 7 tỉ đồng/năm.
Việc Hội đồng nhân dân tỉnh cho phép thu phí sẽ giúp địa phương này chủ động hơn trong việc tôn tạo, quản lý khu di tích, danh thắng. Ông Lâm cho biết thêm, tính từ đầu năm đến hết tháng 11.2017, lượng khách đến Uông Bí là 2,55 triệu lượt, trong đó khách đến Yên Tử chiếm 1,2 triệu lượt. Chính quyền TP.Uông Bí có trách nhiệm quản lý nhà nước tại Khu di tích quốc gia Yên Tử và không can thiệp vào vấn đề tâm linh. Sau khi có nghị quyết, TP.Uông Bí sẽ thông báo công khai về thời gian, tổ chức thu phí trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh góp ý với Hội đồng nhân dân tỉnh.
Được biết, từ năm 2007, tỉnh Quảng Ninh đã bỏ thu phí tại danh thắng Yên Tử. Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: “Việc thu vé vãn cảnh sẽ dẫn đến việc phí chồng phí, gây bức xúc không cần thiết. Cơ quan chức năng nên áp dụng một loại vé tổng hợp tính phí vãn cảnh vào vé dịch vụ khác".