Trong lúc công trình cũ của Hà Nội chưa được xử lý, hàng trăm nhà "siêu mỏng, siêu méo" lại tiếp tục xuất hiện trên địa bàn quận Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Tây Hồ…
Khảo sát của PV Dân Việt cho thấy, trên nhiều tuyến đường như: Tuyến Vành đai 2, đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy, đường Nguyễn Văn Huyên, phố Lê Trực... nhiều ngôi nhà vẫn tiếp tục mọc lên với hình thù kỳ dị, diện tích nhỏ nhưng lại được xây rất cao, gây cảm giác thiếu an toàn, mất mỹ quan đô thị.
Chỉ tính riêng phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy và Xuân La của quận Tây Hồ đã có hơn 10 nhà kiểu này.
Tuyến đường Nguyễn Văn Huyên vừa được cải tạo, nâng cấp rất khang trang, nhưng có rất nhiều nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Mặc dù chính quyền đã ngăn chặn, không cho người dân xây dựng nhà cao tầng, chỉ cho phép xây ki-ốt bán hàng, nhưng nếu cứ để các trường hợp này tồn tại như hiện nay thì người dân sẽ tìm mọi cách để biến thành nhà siêu mỏng rất khó giải quyết.
Thậm chí trên tuyến đường này xuất hiện nhiều ngôi nhà tạm rộng từ 1-3m2. Tương tự, các đoạn đường Trần Phú - Kim Mã dài chừng 600m cũng xuất hiện 3 công trình; đường Thanh Nhàn có đến gần 10 công trình dạng này.
Một dãy nhà siêu mỏng xuất hiện trên đường Võ Chí Công đầu năm 2016. Việc hợp thửa trong trường hợp này khó khả thi bởi phía lưng dãy nhà là một con ngõ, không có hộ liền kề phía sau.
Cũng trên đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ đang tồn tại một ngôi nhà đoạn hẹp nhất chỉ bằng độ dày của bức tường, tầng 2 đua ra 80cm. Nguyên nhân là do trước đây, khi mở đường qua các khu dân cư, cơ quan chức năng chưa quan tâm thu hồi đất, thiết kế đô thị, việc vạch chỉ giới đương nhiên cắt vào nhà dân nên hình thành những ngôi nhà bị chia cắt, nhà siêu mỏng, kỳ dị...
Những ngôi nhà có hình thù kỳ dị đã trở thành một "đặc sản" của Thủ đô mỗi khi có một tuyến phố mới được thi công, chúng bỗng chốc vụt sáng thành "ngôi sao" khi có mức giá không thể tin nổi.
Những ngôi nhà trên đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng hay những ngôi nhà siêu mỏng tồn tại 13 năm ở đường Đào Tấn… khiến đô thị Hà Nội trở nên nhếch nhác với những mảnh đất không thể xây dựng, cải tạo...
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, chỉnh trang đô thị chưa được tốt. Việc lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị chưa tính toán kỹ dẫn đến sau giải phóng mặt bằng, diện tích đất còn lại của nhiều mảnh đất không đủ điều kiện xây dựng.
Khi làm đường, Nhà nước chỉ đền bù đường vừa đúng chỉ giới đường, còn vài mét cũng không đền bù, chỗ đất còn lại vừa mỏng, lại méo nên người dân muốn bán cũng không dễ. Đồng thời, do chưa có một cơ quan trung gian đứng ra thỏa thuận giá giữa chủ nhà có đất “siêu mỏng, siêu méo” đằng trước và chủ nhà đằng sau, dẫn đến khó khăn cho việc hợp thửa, hợp khối.
Ngày 13.12, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP.Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến quý 4.2017 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã. Tại đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải còn trăn trở với những việc chưa làm được và yêu cầu các đơn vị nghiêm túc nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế, yếu kém đang tồn tại cần khắc phục trên địa bàn. Điển hình trong đó là vấn đề xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo”, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá, Hà Nội đã có tiến bộ so với trước nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Trước đó, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ năm, HÐND TP.Hà Nội khóa 15 ngày 6.12, đại biểu Ðoàn Việt Cường (tổ đại biểu huyện Mê Linh) chất vấn: Trong khi nhiều công trình siêu mỏng siêu méo tồn tại từ nhiều năm trước chưa được xử lý, nhiều công trình mới tiếp tục phát sinh, vậy trách nhiệm của Sở Xây dựng và UBND các quận ở đâu? Ðại biểu Nguyễn Huy Ðược (tổ đại biểu huyện Ba Vì) yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nêu rõ các giải pháp để hạn chế tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo. Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết: Hà Nội trước đây có hơn 300 nhà siêu mỏng siêu méo nhưng hiện tại còn 132 trường hợp. Nguyên nhân dẫn đến các nhà siêu mỏng siêu méo là do mở đường qua các khu dân cư cắt vào nhà dân nên tạo ra nhà siêu mỏng siêu méo, những khu đất không đủ tiêu chuẩn xây dựng, những ngôi nhà phản cảm, gây bức xúc trong dư luận… Theo ông Dục, Sở Xây dựng đã phân ra làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 52 trường hợp tồn tại 13 năm nay, người dân đã xây dựng nhà cửa, sinh hoạt ổn định. Các công trình đã hạ độ cao, được gia cố chắc chắn, chỉnh trang lại. Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận: Cầu Giấy, Ba Ðình, Ðống Ða giữ nguyên hiện trạng, cho tồn tại những trường hợp đủ điều kiện, bảo đảm mỹ quan đô thị. Nhóm thứ hai gồm gần 20 trường hợp có thể chỉnh trang, đề nghị các quận hướng dẫn người dân sửa chữa theo đúng quy chuẩn, bảo đảm số tầng xây dựng. Còn lại hơn 50 trường hợp xây cao tầng, trông rất phản cảm, có nguy cơ mất an toàn thì kiên quyết thu hồi... Ông Dục cho rằng xử lý vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo là vấn đề cực kỳ phức tạp do có liên quan tới nhiều quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, trong quý I.2018 sẽ có phương án thu hồi đất và không để phát sinh vi phạm mới. Riêng 8 trường hợp vi phạm hai bên tuyến đường Phạm Văn Đồng, Sở và các cơ quan liên quan có phương án xử lý ngay trong tháng 12.2017 này. Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh cho biết, mới đây, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án mở rộng đường vành đai 2, Sở đã phối hợp chính quyền địa phương xác định hơn 40 vị trí tạo ra nhà siêu mỏng siêu méo. Cơ quan chức năng đã làm việc với các gia đình và có 20 gia đình đồng ý hợp khối, còn lại 20 gia đình chưa đồng ý |