Sáng 14.12, đoàn công tác Bộ NNPTNT đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi, về tình hình tàu cá của ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ngãi do các nước Indonesia, Malaysia, Philipinese hiện xử lý cứng rắn như phạt tù dài ngày, đốt tàu..., nên gần đây ngư dân của tỉnh lại chuyển sang đánh bắt ở những vùng biển các nước xa hơn, cách Việt Nam hàng ngàn hải lý như Palau, Australia, New Caledonia...
Lực lượng chức năng tỉnh đang điều tra hiện trường một tàu cá đánh bắt trái phép tại vùng biển nước ngoài vừa trở về.
Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, Quảng Ngãi có 32 lượt tàu của ngư dân Quảng Ngãi đã bị các nước bắt giữ, xử lý...Trong đó New Caledonia bắt giữ 24 tàu; Úc (4 tàu); Solomon (3 tàu) và Philippinese (1 tàu). Số tàu bị bắt giữ trên là của huyện Lý Sơn và xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, với hình thức đánh bắt chủ yếu bằng nghề lặn khai thác hải sâm, trai tai tượng khổng lồ.
Vú nàng, một trong những loại hải sâm mang lại lợi nhuận cao nhất cho ngư dân Quảng Ngãi
Ông Dương Văn Tô-Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ: "Dù các chủ tàu, thuyền trưởng đều hiểu và nhận thức được việc đưa phương tiện ra nước ngoài đánh bắt trái phép là vi phạm pháp luật Việt Nam và nước bạn. Tuy nhiên do lợi nhuận từ việc khai thác trái phép 2 loại hải sản trên mang lại quá lớn, với thu nhập nhiều tỷ đồng/chuyến. Trong khi đó quy định xử lý vi phạm quá nhẹ, chủ yếu là phạt hành chính với mức cao nhất khoảng 100 triệu đồng/trường hợp. Vì vậy các chủ tàu sau khi vi phạm và bị xử lý tiếp tục tái vi phạm".
Theo đó đại diện các cấp ngành của tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các cấp ngành trung ương cần ban hành quy định xử lý nặng hơn; cấm khai thác hải sâm...
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lưu Văn Huy-Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ NN&PTNT thông tin: Tại Chỉ thị số 45/CT-TTg vừa ký vào ngày 13.12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cho các bộ, ngành như Bộ NN&PTNT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các tỉnh và thành phố... thực hiện xử lý mức cao nhất đối với các trường hợp đưa tàu thuyền đi khai thác trái phép ở nước ngoài, như tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản vĩnh viễn; xử lý hình sự đối với chủ tàu, thuyền trưởng tái phạm; cấm mua bán, vận chuyển hải sâm liên quan đến đánh bắt bất hợp pháp tại vùng biển các nước.....
Ngư dân Quảng Ngãi đang chuẩn bị hành nghề lặn
Đại diện đoàn công tác, ông Nguyễn Ngọc Oai – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT đã phê bình tỉnh Quảng Ngãi vẫn để ngư dân tái phạm sau khi EU đã áp thẻ vàng trong thời hạn sáu tháng đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam. Đồng thời đề nghị các cấp ngành Quảng Ngãi thời gian đến phải triển khai, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, tái vi phạm theo Chỉ thị 45/CT-TTg, chấm dứt tình trạng ngư dân đưa phương tiện ra nước ngoài khai thác trái phép.
Được biết Quảng Ngãi hiện có trên 200/5.580 tàu thuyền hành nghề lặn ở các vùng ven thềm đảo trong nước, với loại hải sản khai thác chủ yếu là hải sâm, các loại ốc.... Số phương tiện hành nghề lặn tập trung chủ yếu lại 2 huyện Bình Sơn và Lý Sơn. Theo ngư dân thì riêng thu nhập từ lặn hải sâm đạt từ 1-4 tỷ đồng/chuyến, cao hơn gấp từ 3-6 lần so với nhiều hình thức đánh bắt các loại hải sản khác.