Tiến sĩ Bùi Trân Phượng đã có buổi chia sẻ về cách giáo dục trẻ nhỏ và phân tích những ảnh hưởng xấu dễ dàng tạo thành thói quen, “ăn sâu” đến khi trưởng thành tại Trung tâm Tân Thư (73 Ngô Thời Nhiệm Quận 3) với chủ đề “Vài suy nghĩ về giáo dục” dựa trên tinh thần của tác phẩm cùng tên của triết gia John Locke.
Mở đầu, tiến sĩ Bùi Trân Phượng đã nói sơ qua về tác phẩm cùng tên với buổi chia sẻ “Vài suy nghĩ về giáo dục” của tác giả, triết gia vĩ đại nhất của châu Âu thế kỷ 17 - John Locke (1632 – 1704) để tạo sự liên kết cũng như đưa ra giá trị giáo dục, những nguyên tắc trong cuốn tiểu luận của John Locke vẫn còn đầy đủ sự quan tâm cho đến tận ngày hôm nay đến với những người có mặt trong khán phòng. Đặc biệt, tác phẩm này là tác phẩm duy nhất mà John Locke viết về giáo dục nhưng đã được sự đón nhận nồng nhiệt ngay từ khi ra đời, được dịch ra hầu hết các thứ tiếng khác ở Âu Châu trong suốt thế kỷ 18.
Bởi, chính ông John Locke đã nói “Chúng ta phải rất thận trọng trong việc rèn luyện trí óc của trẻ con, và nếu giáo dục chúng sớm thì sự việc này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến đời sống của chúng sau này. Chúng tốt hay xấu, người ta sẽ căn cứ trên giáo dục mà khen hay chê và phán xét bằng câu nói thường tình: ‘Đó là lỗi do nền giáo dục mà chúng đã nhận được”. Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, bà đã lấy ví dụ người cháu của mình đang ở tuổi đi học mẫu giáo để khách tham dự hiểu rõ hơn trẻ em đã ảnh hưởng rất nhiều từ lời ăn, tiếng nói, giáo dục của người lớn, “Bò tới, bò lui hoài tui chặt tay bây giờ?” – Bà kể lại nguyên văn câu nói của đứa cháu nhỏ. “Ai đã dạy một đứa nhóc nói câu này vậy? Tôi chắc chắn gia đình tôi không có. Tại sao đứa nhỏ lại biết?” – Tiến sĩ Bùi Trân Phượng hỏi.
TS Bùi Trân Phượng tại cuộc nói chuyện.
Tiến sĩ cho biết: “Không có một tật xấu nào của trẻ nhỏ nào không phải ảnh hưởng do người lớn”. Bởi, “Mua một bộ quần áo mới cho trẻ, câu đầu tiên là ‘công chúa của mẹ mặc đồ mới đẹp quá’đã vô tình tạo cho trẻ thói quen kiêu căng, khoe khoang, đua đòi nhưng chúng ta lại không biết”. Bà khẳng định: “Cha mẹ nào cũng thương con nhưng mình cần phải kiểm soát lý trí đúng nơi, đúng chỗ. Nghiêm khắc lúc nào, khoan dung lúc nào. Không phải lúc trẻ còn nhỏ thì cha mẹ lại quá dư thừa sự khoan dung, thoải mái nhưng trẻ lớn lên thì lại ép vào kỷ luật một cách lạnh lùng. Phải uốn nắn từ gốc, ở tuổi chúng dễ thu nhận và tạo thành thói quen khi lớn, phải làm cho trẻ biết danh dự và xấu hổ khi làm sai”.
Nhiều câu hỏi liên tục được đặt ra gửi đến tiến sĩ Bùi Trân Phượng nhằm có những giải pháp giáo dục tốt, bồi dưỡng nhân cách tốt từ bà Đoàn Kim Cúc, anh Nguyển Cảnh Tiến, Trung Tín… Tiến sĩ Bùi Trân Phượng chia sẻ: “Thời nào cũng có cái khó của thời đó, chỉ cần người lớn, người làm giáo dục chệch một hướng đi là sẽ hình thành một điều khác. Chúng ta phải có những gia sư giỏi và có cái gì để người trẻ giữ niềm tin”.
Vấn đề giáo dục, nhất đối với trẻ nhỏ, không chỉ thu hút rất nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh mà còn có cả các sinh viên của trường đại học. Không gian với sức chức hơn 200 người tại Trung tâm Tân Thư chật kín chỗ, nhiều bạn phải đứng phía bên ngoài hành lang để theo dõi buổi chia sẻ của tiến sĩ Bùi Trân Phượng. Bên cạnh việc giới thiệu những quyển sách do mình phát hành, trung tâm Tân Thư còn kết hợp với các diễn giả, chuyên gia,… tổ chức các buổi chia sẻ, tọa đàm vào cửa miễn phí. Buổi chia sẻ của tiến sĩ Bùi Trân Phượng ở trên là một trong những hoạt động của trung tâm Tân Thư.
Tiến sĩ, diễn giả Bùi Trân Phượng, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen, là một nhà nghiên cứu và quản lý giáo dục giàu tâm huyết. Bà tốt nghiệp cử nhân giáo khoa Lịch sử Đại học Paris I, Pháp; tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Paris VII, Pháp; tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh Doanh UBI (2003) và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đại học Lyon 2, Pháp. Bà được tặng thưởng Huân chương Quốc công bậc Hiệp sĩ (2012) và Huân chương Bắc đẩu bội tinh bậc Hiệp sĩ (2014) của nước Cộng hòa Pháp; nhận giải thưởng "Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục" của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh (2013). Từ năm 1975 đến 1992, các công trình nghiên cứu của bà tập trung vào lịch sử cận hiện đại Việt Nam; từ 1992 đến nay, bà nghiên cứu lịch sử văn hóa và lịch sử phụ nữ Việt Nam. |