Vài năm trở lại đây, gameshow truyền hình nở rộ như nấm sau mưa. Sự xuất hiện của hàng loạt cuộc thi trên sóng truyền hình vô hình chung tạo ra một cuộc chạy đua quyết liệt để cạnh tranh về doanh thu và khán giả. Cũng chính vì vậy, chưa khi nào chất lượng các cuộc thi trên sóng truyền hình lại bị chỉ trích nhiều như thời gian vừa qua.
Đặc biệt, năm 2017 có thể coi là một năm đầy sóng gió với các nhà tổ chức gameshow trên sóng truyền hình. Việc tập trung quá nhiều vào mục tiêu thu hút khán giả đẩy các gameshow truyền hình đi theo hai thái cực trái ngược nhau. Nếu không phải gây cười bằng mọi cách thì là lấy nước mắt của khán giả bằng… mọi cách.
Nhìn lại bức tranh gameshow trên sóng truyền hình ở Việt Nam năm 2017 có thể thấy sự phát triển theo hai giai đoạn khá rõ ràng. Nếu đầu năm, các gameshow hài phát triển mạnh mẽ và đầy tai tiếng thì đến cuối năm, những chương trình “lấy nước mắt” của khán giả lại khiến dư luận xôn xao.
Đầu năm hài nhảm… lên ngôi
Trấn Thành từng gây bão với phát ngôn ở "Thách thức danh hài"
Nửa đầu năm 2017, các gameshow truyền hình hài gây sự chú ý đặc biệt của người hâm mộ. Đầu tiên là đêm chung kết của Thách thức danh hài với nụ cười được cho là quá dễ dãi của Trấn Thành dành cho hot boy trà sữa Tấn Lợi.
Trong đêm chung kết của Thách thức danh hài, MC Trấn Thành khiến khán giả thất vọng khi dễ dàng để Tấn Lợi giành ngôi vị quán quân với một từ tục tĩu được nói ngay trên sóng truyền hình. Cách dùng từ thiếu tế nhị cùng nụ cười dễ dãi của Trấn Thành khiến cho Thách thức danh hài có một cái kết không trọn vẹn.
Không chỉ dừng lại ở đó, sự cố giữa ca sĩ chuyển giới Hương Giang với danh hài Trung Dân cũng khiến cho khán giả cảm thấy khó chịu. Trong chương trình Siêu sao đoán chữ, ca sĩ Hương Giang đã có cách đoán khiến cho Trung Dân tức giận bỏ về vì cho đó là một hành động “vô văn hóa”. Ngay sau đó, cộng đồng mạng không tiếc lời “ném đá” Hương Giang dù cô đã lên tiếng xin lỗi. Cũng chính vì sự cố này mà Siêu sao đoán chữ bị khán giả phản đối.
Không dừng lại ở đó, hàng loạt các gameshow hài khác như Thách thức danh hài, Ơn giời cậu đây rồi, Cười xuyên Việt,… bị khán giả lên án vì sự xuất hiện của những tiết mục gây cười rẻ tiền, thiếu tế nhị.
Đỉnh điểm cho sự thoái trào của các gameshow hài là phát ngôn đề nghị khán giả “tắt ti vi” nếu thấy các gameshow hài nhảm của Trấn Thành. Việc đài truyền hình Vĩnh Long “cấm sóng” Trấn Thành được coi như một lời cảnh báo chung cho các nhà tổ chức gameshow hài.
“Bán đời tư” mua nước mắt
Chương trình "Sau ánh hào quang" trở nên ồn ào sau chia sẻ của Lê Giang
Sau khi những gameshow hài không còn hấp dẫn, một số chương trình thiên về khai thác đời tư, những câu chuyện cuộc đời của nghệ sĩ xuất hiện.
Trong số đó, Hát câu chuyện tình có thể coi là một chương trình khá nhân văn. Chương trình đem đến cho khán giả những câu chuyện xúc động trong cuộc đời của những người nổi tiếng. Nhiều người cho rằng đây là một trong số ít những gameshow động chạm đến được trái tim của người xem truyền hình.
Một trong những chương trình để lại tai tiếng nhiều nhất là Sau ánh hào quang. Với tiêu chí khai thác những góc khuất trong cuộc sống của các nghệ sĩ đằng sau ánh đèn sân khấu, Sau ánh hào Quang khiến nhiều người cảm thấy khó chịu.
Hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng gặp “rắc rối” khi quyết định chia sẻ những câu chuyện của cuộc đời mình trên sóng truyền hình. Cựu người mẫu Xuân Lan khiến dư luận xôn xao khi kể về mối tình kéo dài 7 năm và người đàn ông là cha của con gái chị. Tuy nhiên, ngay sau khi chương trình được phát sóng, Xuân Lan đã phải lên tiếng xin lỗi hai người đàn ông mà chị đã nhắc đến trong chương trình vì đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Đỉnh điểm của rắc rối mà Sau ánh hào quang gây ra là chuyện lùm xùm xung quanh nghệ sĩ Lê Giang và danh hài Duy Phương. Việc nghệ sĩ Duy Phương quyết định khởi kiện chương trình Sau ánh hào quang có thể coi là cái kết buồn cho các gameshow vào những ngày cuối năm 2017.
Không ít người cho rằng, việc để các nghệ sĩ lên sóng truyền hình kể lể đời tư không phải là việc thông minh. Thậm chí, một số người còn cho rằng đó là “bán đời tư” để lấy sự rắc rối.
Có thể nói, những rắc rối mà các gameshow truyền hình gây ra trong năm vừa qua cho thấy sự bế tắc trong việc tìm kiếm một nội dung thực sự hấp dẫn của các nhà tổ chức gameshow. Sa đà vào việc gây cười rẻ tiền hay khai thác một cách thái quá đời tư của nghệ sĩ đều gây ra những hiệu ứng ngược không thực sự tích cực.
Nhiều người hi vọng rằng, những sự cố đáng tiếc mà các gameshow truyền hình gặp phải trong năm 2017 sẽ là bài học quý để các nhà tổ chức gameshow có thể tổ chức sản xuất tốt hơn trong năm 2018. Hi vọng năm 2018, khán giả sẽ có những sản phẩm tinh thần thực sự có ý nghĩa và nhân văn.
Khoảnh khắc Lan Khuê té ghế khiến mọi người hoảng hốt, hay BTV Tú Anh nhảy chân sáo... đều không may lọt lên sóng truyền...