Đó là chị Ngô Thị Loan (sinh năm 1961, thường trú xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước). Chị Loan hiện là chủ một quán giải khát nhỏ ở xã Hưng Phước. Khoảng 10 năm trước, lúc đó chị Loan còn mưu sinh bằng nghề mua bán ve chai, phế liệu..., tình cờ vào một ngày, chị thấy một người dân tộc thiểu số bẫy ở rừng về một con voọc con. Con voọc nhỏ xíu, chỉ khoảng 2 tuần tuổi, nặng khoảng 200g.
Voọc chà vá chân nâu rất quý hiếm.
“Lúc đó, tôi đã nghĩ nên thả nó về rừng. Tuy nhiên, con voọc nhỏ quá, nếu thả về rừng cũng khó sống. Vì vậy, tôi quyết định mua luôn con voọc để mang về nuôi, nhằm mục đích cứu sống nó” – chị Loan nói. Sau đó, chị Loan đã mua lại con voọc với giá 500.000 đồng.
Sau khi mua, chị Loan mang voọc về nhà chăm sóc rất cẩn thận. Theo chị Loan : “Ban đầu chăm sóc voọc con khá vất vả, trung bình mỗi tháng chi hơn 300 ngàn đồng tiền mua sữa. Sau 3 năm, con voọc lớn dần, mới ăn được lá cây, rau, củ, quả… Và, nhà tôi ăn gì, voọc ăn thứ đó… Nay, nó đã sống với gia đình tôi hơn 10 năm”.
Đến nay, voọc đã lớn, trọng lượng khoảng 7-8kg và thân quen với mọi người. Có người đề nghị chị Loan bán lại con voọc với giá 50 triệu đồng. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn vì ngoài quán nước nhỏ, vợ chồng không có nguồn thu nhập nào khác, song gia đình chị Loan vẫn không bán voọc.
Chị Loan cho biết: “Voọc là động vật hoang dã nên tôi luôn mong muốn gửi trả nó về rừng. Vì vậy, khi nghe tin Trung tâm cứu hộ nhận vật nuôi hoang dã để huấn luyện bản năng sinh tồn, sau đó thả về rừng; nên tôi đã chủ động liên hệ để được bàn giao, bởi nếu bán đi, chúng tôi không an tâm về sự sống của con voọc. Tôi chỉ băn khoăn, con voọc này đã rất thân thiết với người nên không biết khi thả về rừng nó có sinh tồn được không?”.
Ông Trần Văn Trưởng- Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn, phát triển sinh vật Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập khẳng định: “Trung tâm sẽ có hướng chăm sóc, bảo vệ voọc đến khi nó có thể sinh tồn trong điều kiện tự nhiên thì mới thả về rừng. Cá thể voọc chà vá chân đen thuộc loài động vật hoang dã quý hiếm nhóm IB cần được bảo vệ. Hiện cả nước chỉ còn khoảng 200 đàn, trung bình mỗi đàn có 30 cá thể voọc chà vá chân đen tồn tại”.
Trong năm 2017, Trung tâm đã tiếp nhận trên 28 trường hợp động vật hoang dã do người dân và cơ quan chức năng bàn giao. Trong đó có 2 cá thể linh trưởng quý hiếm, còn lại là các loại thông thường như hươu, nai, heo, cheo...