Dân Việt

Cơ hội "vàng" của tiêu và điều Việt Nam: Liệu có thành… tiêu điều?

Cuối giờ giải lao cuộc họp Bộ NN&PTNT và các nhà tài trợ quốc tế tổ chức sáng 11.12.2017 tại Hà Nội, tôi được một nhà báo Pháp chúc mừng việc Pháp đã bảo trợ cho hai sản phẩm chỉ dẫn địa lý (GI) của Việt Nam là điều Bình Phước (BP) và tiêu Quảng Trị (QT). Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, sao lại là tiêu của Quảng Trị thì ông cười bí ẩn, nói tôi hãy quan tâm một cái tên: tiêu của tỉnh Kampot, Campuchia.

Tò mò, tối về tôi tra thử Goole mấy từ này. Thì ra, tiêu Kampot được cấp chỉ dẫn địa lý của Liên Hiệp quốc từ năm 2010 và nay đã là một sản phẩm xuất khẩu nổi bật nhất của Campuchia (CPC). Trên mạng đầy rẫy các mẩu quảng cáo cho tour du lịch trải nghiệm ở đồn điền hồ tiêu tên là “La plantation” của Kampot. Nào là hãy đến đó, làm một tour đi bộ từ vùng trồng đến thu hoạch, đưa vào nhà máy, đóng gói thành phẩm, và nhớ đừng quên dùng thử kem tiêu và ớt Kampot.

img

Nông dân Quảng Trị chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: T.L

Tôi hình dung ra cách mà nước Pháp chọn hai sản phẩm này để cấp GI, phải chăng là loại sản phẩm này đang bán tốt ở thị trường thế giới, nhất là tiêu QT thuộc một vùng trồng còn sạch, sản phẩm chưa được khai thác thương mại, và sự công nhận chính là tặng một cơ hội cất cánh cho một tỉnh còn nghèo như QT.

Còn điều BP, tình hình khá hơn. Báo WSJ đầu tháng có một bài về điều Việt Nam đã “giật” được vị trí vua điều thế giới từ tay Ấn Độ, nhờ biết sớm tự động hoá. Tôi từng được hội Doanh nhân nữ mời đến BP cách đây ba năm, cùng chị Phạm Chi Lan, để tư vấn cho doanh nghiệp tỉnh về xây dựng thương hiệu điều BP. Lúc đó, hầu hết doanh nghiệp đều âu lo về chất lượng của điều chưa nhất quán, ổn định.

Nếu không thay đổi được điều căn bản này thì khoan nói về xây dựng thương hiệu. Nay nhìn lại, chắc chắn đã có những nỗ lực lớn từ vùng nguyên liệu, cho đến tự động hoá trong sản xuất nên điều BP đã được Pháp bảo hộ  GI.

Các sản phẩm nông nghiệp các nước ASEAN đều đã và đang giành được thắng lợi lớn về thương mại hoá. Gạo Thái và CPC. Sầu riêng Mã Lai. Tiêu Kampot. Và mới nhất là cá cảnh của Singapore (năm 2016 đã xuất được 43 triệu USD, chiếm 14% thị trường toàn cầu). Singapore xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Nghe lạ tai nhưng đó là chuyện thật. Họ biết làm giàu bằng mọi cách, và dĩ nhiên, họ không bỏ qua nông sản với cá cảnh nuôi bằng công nghệ cao.

img

Du khách đến thăm các đồn điền tiêu tại Kampot, Campuchia. Tiêu Kampot được Liên hiệp quốc cấp chỉ dẫn địa lý từ năm 2010.

Cám ơn nước Pháp, tôi nghĩ tới rượu sâm banh của Pháp. Rượu sâm banh bây giờ là “máy in tiền” của Pháp, biểu tượng của giàu sang quyền quý, của tính hiện đại, của mọi chiến thắng (“nào, hãy mở sâm banh ăn mừng đi chứ” không phải là câu nói đầu môi của mọi thắng lợi sao?) và trên hết, là biểu tượng “vinh quang nhất của nền văn minh Pháp”. Đến nỗi, tên địa danh Champagne giờ thành tên gọi chung loại rươu mừng thắng lợi, trên toàn cầu luôn.

Tôi từng viết một bài trên chuyên mục này, thở than là Việt Nam mình có hơn 50 GI mà “có vàng cứ đem treo gác bếp”, cho khói bụi ám lên mịt mùng. Đến bây giờ, thoả thuận hợp tác để quản lý và phát huy GI giữa hai bộ Khoa học và công nghệ, và Nông nghiệp đã ký xong chưa? Quyết định hiện nay là… giao về cho các địa phương quản. Chuyện phân cấp, trao quyền này thật buồn cười. Vì làm sao mỗi địa phương có đủ hiểu biết về thị trường thế giới, chuyên nghiệp trong tổ chức sản xuất kinh doanh và nhất là tiếp thị ra thế giới để làm cái công việc “thần thánh” này?

Lại sáng nay, khi tôi dắt xe đi làm, chị đầu bếp chỉ cái cây xanh đang tưới hơi giống cây rau quế và khoe, em  mới trồng được cây lá cẩm, mai mốt nấu xôi tím hết sẩy. Tôi lại nhớ món nợ với Bến Tre. Thêm một năm nữa rồi. Mứt ngũ sắc, toàn màu thiên nhiên để vinh danh và phát huy dừa Bến Tre chưa thành chuyện kinh doanh thật. Và dừa Bến Tre cũng “chưa đủ thời hạn” để được nhà nước cấp GI. Ngay cả nước mắm truyền thống Phú Quốc, được Liên minh châu Âu công nhận mà vẫn để cho Thái Lan kinh doanh khắp thế giới, đủ thấy mình thờ ơ với tài sản quý của mình biết chừng nào?

Tôi đành tìm về với một tia sáng vui. Có thể hy vọng từ việc ứng dụng các công nghệ của thời kỳ công nghiệp 4.0, giúp chuyên nghiệp hoá mọi khâu, từ sản xuất đến chế biến và tiếp thị đúng chuẩn quốc tế sẽ hỗ trợ tốt cho thời kỳ cạnh tranh mới của nông sản Việt Nam chăng?

Tức là chờ đợi ở thế hệ quản lý kế tiếp? Họ đang tiếp quản công việc quản lý kinh doanh nông sản theo cách hiện đại: từ kiểm soát quy trình, chất lượng, đến ứng dụng công nghệ mới trong chế biến và cả trong tiếp thị, phân phối?

Nói cho cùng, 4.0 (với Big data, Robotic, AI…) hay 2.0 thì vẫn xoay quanh điều cốt lõi: phải tìm mọi cách để hiểu người tiêu dùng đang cần gì, nhu cầu, hành vi, cảm nhận của họ với sản phẩm ra sao, và đáp ứng ra sao, để họ phải móc tiền trong túi hay trong tài khoản ra, theo cách cạnh tranh nhất.

Tại hội nghị của bộ Nông nghiệp với các nhà tài trợ quốc tế, hai cụm từ được nói tới nhiều nhất là chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại hoá nông sản. Th ật khó tin khi ta cứ “mài” những thứ bậc được xếp trên thị trường thế giới, nào gạo, càphê, đến tiêu, điều... toàn nhất nhì hay tốp 5, mà tiền thu về thì quá bèo, nông dân vẫn nghèo, nông nghiệp đất nước ngày càng tụt hậu trong cạnh tranh.

Trong hội nghị này, các nhà tài trợ không ai nhắc tới GI, dù tin vui từ điều BP và tiêu QT là đang quá mới. Tin vui đó là, nước Pháp đã trao cho anh một lợi thế lớn, một tài sản thương mại cực quý. Tung ra thị trường, làm mưa làm gió trên thị trường từ lợi thế này, hay lại tiếp tục đem treo gác bếp là... quyền của anh.

Xem lại quá trình tiêu Kampot bước ra khỏi xứ nghèo CPC cạnh tranh phơi phới với thế giới, có dấu ấn khởi đầu từ thủ tướng, bộ thương mại, các cơ quan xúc tiến, báo chí, các tổ chức truyền thông, du lịch CPC… cũng tương tự như gạo Thái, sầu riêng Mã Lai, tiêu CPC… luôn luôn có bàn tay của chính sách, của chính các cơ quan hữu quan nhà nước, đến các tổ chức tư nhân đó hưởng lợi từ kinh doanh các sản phẩm này.

Bài học quá phong phú và rõ ràng. Vấn đề còn lại là… ta có muốn thực thi hay không…Sao cho cơ hội vàng của ngành tiêu và điều Việt Nam không tiếp tục… tiêu điều?