Dân Việt

Buýt sông, mua vui chỉ được vài trống canh!?

Dù đang khá đắt khách nhưng xem ra, buýt đường sông nếu không thay đổi, sẽ dễ thành tàu du lịch với lượng khách “hên – xui”, chứ không phải là loại hình vận tải hành khách công cộng giúp “chia lửa” cho đường bộ như mục đích của dự án đề ra. Vậy nên chọn cách nào để phát triển buýt sông?

Tuy không kín khách như hai ngày cuối tuần nhưng sáng 11.12, trên tuyến buýt đường sông số 1 Bạch Đằng – Linh Đông (khai thác ngày 25.11, với giá vé 15.000 đồng/người/lượt) cũng gần như kín chỗ khi rời bến Bạch Đằng Q.1, TP.HCM. Buýt số 1 có 72 ghế trong khoang, trên tàu còn một băng ghế phía sau nhằm tạo không gian rộng, thoáng đãng cho hành khách ngắm cảnh, hóng gió, có tivi và nước uống. Đặc biệt, hành khách đi theo từng nhóm gia đình, bạn bè nói cười vui vẻ suốt tuyến.

img

Buýt đường sông để phát triển cần đấu nối tốt với buýt bộ như một hệ thống đa dạng.

“Ngắm sông nước cho vui ấy mà”

Huỳnh Thị Thuỳ, 47 tuổi, ngụ đường Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Q.1 kể lại: thấy cả xóm ai cũng bàn tán về buýt đường sông nên tôi đi cho biết. “Hôm qua, dẫn mẹ và hai con gái ra mua vé buýt đường sông nhằm mục địch tham quan, ngắm cảnh sông Sài Gòn nhưng hết vé, nên sáng đầu tuần đi cho biết. Đúng là lâu lắm ngắm cảnh sông nước cũng thích. Chứ hỏi có đi thêm nhiều lần nữa không, tôi thấy khó”, chị Thuỳ, chia sẻ.

Theo chị Thuỳ, từ Bạch Đằng đến Linh Đông – Thủ Đức mất 45 phút; đi, về 90 phút nên chị thấy hơi mệt có vẻ như say sóng. Chưa kể, hành khách khi muốn quay ngược lộ trình trở về lại bến xuất phát phải đợi gần ba tiếng. Việc này khiến không ít người thấy bất tiện, trong khi tại bến Linh Đông cũng rất ít các dịch vụ để hành khách giải trí trong lúc chờ tàu buýt quay về. Do đó, nhiều người chọn phương án đón taxi hoặc xe ôm để về Q.1. “Đặc biệt, buýt sông không “thuận” với những người chưa từng biết đến sóng và nước đâu”, chị Thuỳ khuyến cáo.

Không đi ngắm cảnh như chị Thuỳ, sáng 11.12, kết thúc chuyến thử đi làm bằng phương tiện buýt sông từ Bình Thạnh lên Thủ Đức, anh Nguyễn Văn Bình đã kết luận: khó mà sử dụng để đi làm.  Theo anh Bình, nếu sử dụng buýt bộ đi từ Bình Thạnh đến bến Bạch Đằng tương đối dễ, thì ở tuyến cuối việc sử dụng buýt bộ đến cơ quan là một cực hình, bởi trạm xe buýt khá xa và vô cùng bất tiện. “Nói tóm lại, tôi đi thử cho biết thôi chứ xác định là không đi làm bằng buýt sông được, dù rất thích cảnh không khí trong lành trên sông Sài Gòn”, anh Bình nói.

Cứ vậy sẽ chóng tàn

Ngoài những lý do trên, chị Hoài Thu nhà ở quận 4, làm việc ở Thủ Đức cho hay, chị sẽ không chọn buýt sông làm phương tiện đi lại, vì số lượng tàu còn quá ít, phải chờ đợi lâu. Trong khi đó, việc kết nối giữa tuyến buýt này với hệ thống buýt bộ lại hạn chế, hiện chỉ có bến Bạch Đằng là thuận lợi.

Ngoài phải chờ lâu, phương tiện buýt bộ kết nối còn hạn chế, chuyện đi làm bằng buýt sông còn rất tốn kém. Nếu sử dụng buýt sông đi làm một tuần sáu lượt đi về – chị Thu làm công chức một phường ở Thủ Đức – sẽ phải tiêu tốn 180.000 đồng/tuần. Đi buýt bộ chỉ tốn từ 112.500 – 135.000 đồng/tập 30 vé. “Các tàu của tuyến buýt đường sông rất đẹp, nhưng chỉ phù hợp cho người đi du lịch, tham quan chứ chưa là một tuyến buýt phục vụ cho những người đi lại. Và hậu quả là khi người dân hết tò mò vì đã trải nghiệm xong thì tìm đâu ra lượng khách ổn định cho buýt đường sông duy trì hoạt động”, chị Thu phân tích.

Theo các chuyên gia giao thông, để buýt đường sông đi đúng định hướng ban đầu, ngoài chuyện phải tăng cường đầu tư xây dựng các bến bãi đường thuỷ, kết nối đường thuỷ với đường bộ bằng buýt bộ – hành khách xài xe máy phải có chỗ giữ xe với giá cả phải chăng, nếu chủ đầu tư buýt sông miễn phí càng tốt..., nhất thiết chính quyền TP.HCM phải tính toán đến việc phát triển kèm theo hàng loạt tuyến vận tải hành khách hoặc tuyến du lịch đường thuỷ khách để tạo thành “một vòng đường thuỷ” khép kín.

Trong đó, việc khép kín các tuyến vận tải hành khách và du lịch đường sông không khó, bởi TP.HCM có hơn 1.000km đường thuỷ với 975km đã được quy hoạch và tổ chức quản lý. Một lợi thế lớn là TP.HCM có hai tuyến sông chính Sài Gòn và Đồng Nai chảy qua, đã tạo nên mạng lưới các con sông nhỏ và kênh, rạch chằng chịt. Lợi thế này không chỉ giúp thành phố có một hệ sinh thái đa dạng, mà còn tạo ra nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch, cũng như xây dựng hệ thống giao thông thuỷ kết nối với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chưa kể, đã có nhiều tuyến du lịch đường thuỷ được đầu tư phát triển nhiều năm qua tại TP.HCM.

Tuy nhiên, hầu hết các tuyến đường sông trên đến nay vẫn èo uột là do quy hoạch bến bãi đường thuỷ còn quá hạn chế. Vì vậy, để khắc phục điểm nghẽn này, theo các chuyên gia và các công ty khai thác liên quan đến đường thuỷ, TP.HCM phải cải cách nhiều thủ tục hành chính, mạnh dạn cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng bến bãi, mở rộng mạng lưới tuyến cũng như áp dụng mức phí thuê bến bãi mà doanh nghiệp có thể chịu đựng được, do mức phí hiện tại hơi cao. Sau khi khắc phục xong việc thiếu bến bãi, khi TP.HCM đã có chủ trương phát triển giao thông, du lịch đường thuỷ, cần phải có chính sách khuyến khích doanh nghiệp để cùng đầu tư phát triển.