Dân Việt

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng

31/10/2011 07:43 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 29.10, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã làm việc với Bộ NNPTNT về kế hoạch phát triển 5 năm của ngành (2011-2015), đặc biệt là vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Giá trị gia tăng thấp

Về tình hình thực hiện kế hoạch năm 2011 của ngành, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết: Đây là năm ngành nông nghiệp phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức như thời tiết bất thường, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, khó khăn về vốn… song toàn ngành vẫn đạt được nhiều thành tựu lớn.

img
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2011-2015.

Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp 9 tháng đầu năm nay ước đạt 162.000 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, ước cả năm, tốc độ tăng GDP nông, lâm, thủy sản đạt 2,4-2,6%. Năm nay cũng là năm được mùa lúa với sản lượng ước đạt 41,5 triệu tấn, tăng khoảng 1,5 triệu tấn so với năm 2010.

Lúa cũng như thủy sản, sản phẩm cây công nghiệp được giá, giúp kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước tăng khoảng 28% so với năm 2010, đến hết năm ước đạt 25 tỷ USD...

Tuy phấn khởi với kết quả mà ngành mình đạt được, nhưng Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng bày tỏ lo âu: Tốc độ tăng trưởng trong những năm gần đây của ngành nông nghiệp không những không tăng, mà còn sụt giảm. Bởi thực tế, người nông dân sản xuất ra các sản phẩm hiện được hưởng giá trị rất thấp, như người trồng cà phê chẳng hạn, chỉ được hưởng 0-20% giá trị của cà phê khi bán đến tay người tiêu dùng.

“Bây giờ ngành NNPTNT cần phải thay đổi cơ cấu đầu tư, tập trung cho KHCN. Vừa rồi, đi một số nước Trung Đông, tôi thấy họ làm được những việc “không tưởng” nhờ ứng dụng công nghệ cao, như nuôi được bò sữa, trồng rau, dưa chuột, ớt… giữa sa mạc, cho năng suất rất cao. Chúng ta có thể nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra đột phá trong sản xuất nông nghiệp thì cần phải đầu tư vào công nghệ cao” - ông Phát đề xuất.

Vẫn là ưu tiên hàng đầu

Theo định hướng tái cơ cấu của ngành nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 sẽ là thúc đẩy phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, lợn, bò sữa, rau, hoa công nghệ cao, rừng kinh tế. Đại diện nhiều bộ, ngành cũng cho rằng, ngành tại buổi làm việc nông nghiệp phải điều chỉnh định hướng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng đầu tư vào chiều sâu, mang lại giá trị gia tăng nhanh và cao hơn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên nói: “Hàng nông sản nước ta chưa có thương hiệu ngay cả trong nước chứ chưa nói tới thế giới. Vì thế vấn đề là cần phải làm thương hiệu, nhưng ai làm và làm như thế nào thì cần sớm có định hướng”.

"Mỗi năm, chúng ta chỉ đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng cho tất cả các lĩnh vực KHCN là quá thấp. Đây chính là vấn đề cần tái cơ cấu đầu tiên, bởi các nước thường dành ít nhất 1% GDP."

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh yêu cầu: Bước sang giai đoạn phát triển mới, ngành nông nghiệp cần có những định hướng tập trung phát triển mới. “Đó là việc hướng tới việc khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế phát triển của ngành hiện còn rất lớn. Tiềm năng đó là giá trị gia tăng và chất lượng các sản phẩm nông, thủy hải sản” - ông Hải nêu rõ.

Theo Phó Thủ tướng trong 5 năm tới, ngành nông nghiệp cần tập trung tối đa cho các giải pháp tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Việc tái cơ cấu cần đồng bộ, trước hết là trong chuyển đổi cơ cấu vốn đầu tư, giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách, có chính sách thu hút đầu tư ngoài xã hội, nhất là đầu tư nước ngoài để ưu tiên cho các chương trình KHCN, giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, giá trị cao. Đặc biệt là gia tăng hàm lượng, giá trị chế biến trong tất cả các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản, coi đây là khâu đột phá để vừa đảm bảo ổn định về tăng trưởng vừa nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.