Con đủ kỹ năng sống rồi!
Một phụ huynh có con học lớp 3 Trường Tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) kể: “Trường mời trung tâm về dạy kỹ năng sống tuần 2 buổi, học phí từ 150.000 - 200.000 đồng/tháng. Không hiểu các cô dạy kiểu gì mà học được mấy buổi thì về nhà thằng cu nhất định không đi học nữa, bắt mẹ xin cô cho nghỉ học kỹ năng sống.
Hoạt động tình nguyện cũng là cách giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. |
Gặng hỏi mãi thì nó bảo: “Con đủ kỹ năng sống rồi, cần gì phải học”.
Chị vừa tức vừa buồn cười với cách nói “cụ non” của con nhưng vẫn cố tìm nguyên nhân thì được biết, 7-8 buổi học ở trường, cô dạy chủ yếu là chào hỏi, giới thiệu tên. Ngoài ra, phụ huynh cũng cho biết, có cháu về kể: “Mẹ ơi hôm nay cô dạy nói dối, cô bảo đôi khi nói dối mà làm người khác vui thì cũng tốt...”.
Tại TP.HCM, môn kỹ năng sống được tổ chức có vẻ bài bản hơn. Một số trường như Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Nguyễn Thượng Hiền... tổ chức được các CLB kỹ năng sống, CLB phòng chống ma túy, CLB tìm hiểu và hát dân ca... ngay trong trường và thu hút được đông đảo học sinh tham gia.
Em Nguyễn Đức Mạnh (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) cho biết: “Được học kỹ năng giao tiếp ứng xử, thông qua các bài giảng, các trò chơi vận động, em thấy mình mạnh dạn hơn trong giao tiếp, tự tin hơn trong việc thể hiện những năng lực của bản thân”.
Tuy nhiên, CLB này không nhiều, mô típ quen thuộc vẫn là các trường thuê công ty giáo dục vào dạy với mức hoa hồng cao, từ 30 - 40% mà không thể thẩm định được chương trình. Ông Võ Nhật Minh - Tổng Giám đốc Công ty VFIRST (chuyên tổ chức các lớp giáo dục kỹ năng sống) thừa nhận chưa có bộ giáo trình chuẩn về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nên nhiều trường không hiểu và không biết bắt đầu như thế nào?
Kỹ năng sống chỉ là cái ngọn
Chị Nguyễn Thị Hồng Hà- nhân viên Công ty Truyền thông và Đào tạo tại Hà Nội, cho biết: “Hầu như chương trình dạy đều do giáo viên trung tâm soạn để lên lớp, không theo một chuẩn nào cả nên mỗi trung tâm sẽ có một cách tiếp cận riêng với môn học này”.
Chị Hà biết thêm, sắp tới có yêu cầu giáo viên dạy kỹ năng sống phải có bằng đại học chuyên ngành tâm lý học. Nếu vậy thì sẽ thiếu trầm trọng giáo viên vì số giáo viên có bằng cấp này rất ít.
Tuy nhiên, theo chị Hà: “Không phải cứ có bằng tâm lý là sẽ dạy được kỹ năng sống. Cách dạy hiện nay mới chỉ dạy trẻ những “tiểu xảo” sống thôi chứ không phải kỹ năng sống. Giáo viên dạy kỹ năng sống phải chan hoà, thân thiện, hướng cho trẻ suy nghĩ những điều tích cực chứ không áp đặt... Hiện rất ít giáo viên từ trung tâm làm được điều này”.
Theo ông Đặng Trần Tính - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội: Dạy kỹ năng sống cần phải lồng ghép các giá trị sống. Kỹ năng sống chỉ là cái ngọn, giá trị sống mới là cái gốc, nếu chỉ học vài buổi ở trung tâm hay tuần 2 buổi ở trường, các em sẽ không học được gì nhiều, nhiều khi chỉ tạo được những “ông cụ non” và những “kẻ thủ đoạn”mà thôi.
Ông Võ Nhật Minh thì cho rằng cần hiểu khái niệm “kỹ năng sống” rộng hơn là một môn học trong trường học, trong đó đoàn, đội cũng là một “kênh” giúp các em hình thành nhân cách, kỹ năng sống.
“Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng sinh hoạt tập thể là vô bổ và hướng các em phải thi đậu vào các trường đại học, điều này vô tình biến các em học sinh trở thành cứng nhắc, và rất dễ bị lôi kéo, sa ngã…”- ông Vinh nói.
Tùng Anh - Thanh Tàu