Khi biết chúng tôi muốn tận mắt chứng kiến sự hoành hành của lâm tặc với những cánh rừng gỗ quý nơi đầu nguồn ở suối Huổi Lực, anh Nguyễn Văn Hải - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên gật đầu ngay: "Các nhà báo chuẩn bị đi, ta cùng hành trình kiểm tra luôn một chuyến".
Những cây cổ thụ bị triệt hạ tại rừng Mường Pồn. |
Xuôi Quốc lộ 12 từ Điện Biên đi Lai Châu chừng hơn 20km, chúng tôi rẽ sang con đường tuần tra biên giới để đi sâu vào khu vực rừng Pá Trả, xã Mường Pồn - nơi mệnh danh là “điểm nóng” về tình trạng chặt phá rừng của lâm tặc trong thời gian qua.
Men con đường mòn dẫn xuống lòng suối Huổi Lực, chúng tôi bí mật tiếp cận lâm tặc và phục kích những đối tượng vận chuyển gỗ trái phép tại điểm nóng này. Con đường dẫn xuống suối trơn trượt do bề mặt dốc, sình lầy và ẩm ướt. Đang loay hoay gỡ những cành cây cản đường thì người đi đầu đoàn “khảo sát” - anh Nguyễn Văn Hải dừng bước, quay đầu lại phát hiệu lệnh "có lâm tặc".
Anh Hải khom mình, bước nhẹ nhàng trên thảm thực vật ẩm ướt để tiếp cận mục tiêu. Bất ngờ anh đứng bật dậy, lao thẳng đến bờ suối, nơi có đám lâm tặc đang chuẩn bị vượt suối với lủng củng đồ nghề. Chúng tôi vội ùa ra hỗ trợ...
Ngả gỗ quý như… ngả rạ
Trong số 4 lâm tặc không kịp tháo thân có chủ nhân của số lượng gỗ bất hợp pháp đang thuê 10 thanh niên trai tráng vận chuyển ra khỏi rừng. Tại hiện trường là 8 tấm gỗ dổi, chiều dài 2m, chiều rộng 50cm, dày 4cm được xẻ vuông thành sắc cạnh. Bên kia suối, nơi các đối tượng vừa tháo chạy là 11 tấm gỗ khác cũng đã được cắt xẻ thành hộp, kích thước rộng 30cm, dày 10cm, dài 2m, tổng khối lượng ước đạt trên 1m3.
Chủ số gỗ bị bắt là Vi Văn Ón (sinh năm 1974,) ở bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Ón khai nhận 8 tấm gỗ dổi là của y mua của người khác với mục đích về làm quan tài cho người thân đã cao tuổi. Còn 11 tấm gỗ bên kia suối thì y “không biết của ai cả”. Một biên bản “nóng” do cán bộ kiểm lâm trong đoàn lập ngay tại hiện trường đối với đối tượng này.
Điểm “mục kích” thứ 2 chúng tôi dừng chân là khu vực thuộc tiểu khu 696A, là vùng lõi của đại ngàn Mường Pồn. Những cán bộ kiểm lâm đi cùng cho biết, địa điểm này tồn tại nhiều những cây gỗ quý có độ tuổi hàng trăm năm nên đang là địa điểm “béo bở” thu hút lâm tặc tìm đến.
Đập vào mắt chúng tôi là một thân cây tô hạp bị đốn ngã vắt ngang qua suối, án ngữ con đường phía trước. Vết cưa ở gốc cây còn đỏ au, mùi gỗ và nhựa cây toả ra vẫn còn thơm nồng, minh chứng cho thời điểm nó bị hạ còn rất mới.
Nhìn cây gỗ nằm chềnh ềnh, chiều dài trên 20m, chu vi thân 2 người ôm không xuể, anh cán bộ kiểm lâm lắc đầu, nuối tiếc: Loại gỗ to như thế này quý lắm, mất cả trăm năm mới có được. Nếu tận thu thì cũng phải khai thác được khoảng 4-5m3 gỗ tròn; còn với lâm tặc, chúng chỉ phá nát ra thành những hộp dễ vác là được, phung phí lắm. Liền ngay gần đó là một thân cây chò Nâu có độ tuổi gần trăm năm cũng cùng chung số phận.
Sau một hồi ngắm nghía, đo đạc, tính toán, anh Hải bảo: Thân gỗ này dài gần 24m, đường kính gần 60cm với khối lượng gỗ tròn tận thu lên đến hơn 5m3.
Các cán bộ kiểm lâm đi cùng đều có chung nhận định: Những vết tích dấu cưa còn hằn rõ trên từng gốc cây, chứng tỏ những cây gỗ này đều bị triệt hạ bằng phương tiện máy cưa xăng, lưỡi cưa phải dài từ 1 - 1,2m. Với loại cưa này thì đại thụ đến mấy cũng bị "hạ gục nhanh, phanh hộp gọn". Vì thế lâm tặc cộng với cưa máy đã tạo nên sức tàn phá kinh khủng với bất kỳ cánh rừng nào mà chúng đặt chân. Đó là chưa tính tới nhiều cây rừng khác bị "đốn hạ khách quan" khi lâm tặc hạ cây cổ thụ.
(Còn nữa)
Minh Ngọc - Xuân Tiến